Tôn vinh làng nghề, lưu giữ nghệ nhân

Thứ bảy, ngày 02/07/2011 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước sự kiện phong tặng danh hiệu các làng nghề sẽ diễn ra vào ngày 2.7, NTNN đã trao đổi với ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Bình luận 0

Thưa ông, vì sao lại phải có một lễ phong tặng các danh hiệu làng nghề khi mà bản thân làng nghề đã được lịch sử ghi nhận?

- Chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, hưởng ứng lời kêu gọi chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển văn hóa dân tộc... Thực tế cho thấy, nơi nào có làng nghề thì nơi đó đời sống văn hóa tinh thần ổn định, không tệ nạn… Đó là lý do hiệp hội đứng ra phong tặng danh hiệu làng nghề.

img
Làng nghề và những người thợ của làng nghề sẽ được tôn vinh, ghi nhận công sức xứng đáng hơn.

Hiện nay hiệp hội có 1.882 hội viên ở khắp cả nước, trong số đó có 1/3 là nghệ nhân cao tuổi đang ngày một già đi. Chúng ta phải ghi nhận công lao của họ, đó là những báu vật của nhân dân. Ta phải “lưu giữ” nghệ nhân, vì lưu giữ nghệ nhân là lưu giữ làng nghề.

Lần này tổ chức vinh danh sẽ có 9 làng nghề tiêu biểu được vinh danh (miền Trung 2, miền Nam 2 và miền Bắc 5). Chúng tôi cũng phong tặng danh hiệu cho 47 nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân già nhất 97 tuổi, trẻ nhất sinh năm 1980.

Phải có chiến lược lâu dài để vinh danh những nét văn hóa độc đáo của từng làng nghề, từng nghệ nhân.

Ông có thể cho biết vai trò của các làng nghề trong quá trình xây dựng NTM hiện nay?

- Chúng ta xây dựng NTM nhưng chưa tìm ra chìa khóa đích thực. Nếu không dựa vào người dân, và đặc biệt là hàng ngàn làng nghề trên cả nước thì sẽ khó  khăn, thậm chí tốn rất nhiều tiền của mà kết quả đem lại không bao nhiêu trong quá trình xây dựng NTM. 19 tiêu chí làm NTM thì trong đó tiêu chí văn hóa rất quan trọng. Muốn có NTM phải có văn hóa, giữ truyền thống và hiện đại.

Vấn đề xây dựng NTM gắn với xây dựng làng nghề rất quan trọng, nhất là làng nghề truyền thống. Nếu như xã có điện, đường, trường, trạm... mà không có văn hóa, đạo đức hư thì sao gọi là xã NTM. Xã NTM là sự kết hợp giữa hiện đại và cổ xưa phải có văn hóa, quốc sách của dòng họ. Người dân xã NTM phải hiểu văn hóa xưa, khai thác các nét truyền thống, kế thừa cái hay.

Những khó khăn mà các làng nghề hiện nay đang phải khắc phục để đáp ứng những đòi hỏi của quá trình xây dựng NTM?

- Làng nghề hiện nay có những khó khăn trong quá trình hội nhập. Làng nghề vừa yếu, vừa phân tán, mang tính chất phức tạp, chưa được quy hoạch. Đời sống nhân dân ở nhiều làng nghề khó khăn, điện năng lúc có lúc không, thanh niên không mặn mà với nghề vì thu nhập thấp. Vậy, muốn để thanh niên nông thôn yêu thích và sống được với nghề thì cần phải có nhận thức, có quy hoạch. Từ nhận thức đó, thì phải thúc đẩy vấn đề bảo tồn văn hóa nông thôn, các lễ hội truyền thống và quan trọng là vinh danh các làng nghề.

Vậy, giải pháp nào để bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề hiện nay, thưa ông?

- Đó là vấn đề quy hoạch, mặt bằng, đào tạo nhân lực. Chẳng hạn phải tạo việc làm phù hợp, có thu nhập cho người làng nghề, rồi quy hoạch vùng nguyên liệu như tre thì trồng ở đâu, nón thì làm ở đâu…

Từ nhận thức đến hành động phải sát với thực tế từng vùng, từng dòng họ. Có những nghệ nhân đáng vinh danh. Ví dụ như câu chuyện về cụ Đặng Vinh Tố (đã mất) chuyên nặn tò he. Khi cụ đi ra nước ngoài như Nhật, Mỹ, Pháp... biểu diễn và bán tò he từ 5-10 euro, khi có người hỏi sao lại bán đắt thế, cụ trả lời là tôi không bán tò he, tôi bán nghệ thuật tò he. Mọi người đang xem nghệ thuật, và tôi bán nghệ thuật...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem