Trần Mạnh Hùng: “Phạm Thu Hà có phẩm cách và tố chất của một ngôi sao lớn”
Nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng: “Phạm Thu Hà có phẩm cách và tố chất của một ngôi sao lớn”
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 08/08/2022 10:38 AM (GMT+7)
Trong phóng sự phát xen kẽ tại chương trình "Con đường âm nhạc - Phạm Thu Hà" vừa diễn ra tối 7/8, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phát biểu rằng: "Phạm Thu Hà có phẩm cách và tố chất của một ngôi sao lớn".
Tối qua (7/8), liveshow "Con đường âm nhạc – Phạm Thu Hà" đã diễn ra tại Cung Hữu nghị Việt Xô Hà Nội với đầy ắp khán giả. Phần lớn khán giả đến với giọng ca "họa mi bán cổ điển" là những người đã đồng hành và dõi theo cô từ những ngày mới bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Có những người đến từ TP. HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An… tất cả đều muốn chứng kiến sự thăng hoa và trưởng thành của Phạm Thu Hà trong chương trình âm nhạc được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Với tâm thế muốn tái hiện lại con đường âm nhạc của bản thân không phải bằng số năm hoạt động mà bằng sự kiên định, tận tụy và cống hiến, Phạm Thu Hà đã mang đến một đêm nhạc thật sang trọng, lộng lẫy và nhiều cảm xúc. Chương trình không có khách mời, một mình nữ ca sĩ sinh năm 1982 "cân" hết 12 tác phẩm với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Nhưng năng lượng của nữ ca sĩ có lẽ vẫn dư thừa khi hát đến bài thứ 12 vẫn đầy xúc cảm, đầy nội lực và đầy sự tươi trẻ. Chỉ tiếc là thời lượng chương trình có hạn nên Phạm Thu Hà đành phải hẹn khán giả của mình vào liveshow riêng trong năm tới.
Mở đầu chương trình là Eva Maria (Lời cầu nguyện) – ariang mà Phạm Thu Hà thường nghe khi bước vào một ngày mới nhằm thắp lên trong mình năng lượng bình an, may mắn và hạnh phúc. Và cô chọn ariang này hát mở đầu thay cho lời nguyện cầu bình an, may mắn và hạnh phúc đến với tất cả khán giả đang theo dõi chương trình.
Tiếp theo là Serenade (Khúc nhạc chiều) – ca khúc của Franz Peter Schubert được cố NSND Trung Kiên soạn lời Việt. Cô thể hiện bản nhạc này để tri ân người thầy đáng kính của mình, người đã không chỉ dìu dắt cô trên con đường nghệ thuật mà còn dạy cho cô về cách sống đẹp và đạo đức làm nghề của một nghệ sĩ chân chính. Nữ ca sĩ đã thể hiện bản nhạc này như thể cô biết rằng, thầy của mình đang ngồi đâu đó dưới sân khấu và lắng nghe học trò của mình hát.
Ca khúc Morning or Canaval do nhạc sĩ Võ Thiện Thanh soạn lời Việt mang đến sự rực rỡ và tươi trẻ. Võ Thiện Thanh đối với Phạm Thu Hà là một mối nhân duyên lớn trong cuộc đời. Chính nhạc sĩ Võ Thiện Thanh là người đã đặt cho cô những viên gạch đầu tiên để trở thành ca sỹ hát nhạc thính phòng cổ điển giao thoa. Đây là một dòng nhạc rất sang trọng nhưng vẫn có sự giao thoa với các dòng nhạc thị trường hiện tại. Và Võ Thiện Thanh, Trần Mạnh Hùng, Đức Trí, Trần Thanh Phương, Lưu Hà An… là những người đã âm thầm ở phía sau, giúp cô có được nhiều sản phẩm âm nhạc đẳng cấp và khẳng định một vị thế riêng trong dòng chảy âm nhạc.
Nếu chia chương trình chia thành 3 mảng màu âm nhạc thì ngay phần đầu tiên, Phạm Thu Hà đã xuất hiện như một công nương quý phái. Giọng hát trong trẻo, cao vút, sang trọng cộng với kỹ thuật điêu luyện của một giọng học thuật đã khiến âm nhạc của cô đi vào lòng người đẹp tựa một bức tranh. Ở đó, âm nhạc không chỉ có thanh âm, giai điệu, ca từ, cung bậc mà còn có cả màu sắc, hình hài và năng lượng tươi trẻ.
Với những Suối mơ, Trăng chiều, Thuyền và biển, Nơi gặp gỡ tình yêu, Hà Nội trái tim hồng… ở phần thứ hai, Phạm Thu Hà cho người ta thấy được "âm nhạc đã chữa lành tổn thương và mang đến năng lượng tích cực" cho cô như thế nào.
Những bản phối mới đầy sự trau chuốt và văn minh của các nhạc sĩ tên tuổi đã giúp Phạm Thu Hà trưng trổ được hết những thế mạnh riêng có của mình. Âm nhạc của Phạm Thu Hà tối qua không chỉ dừng lại ở sự đẹp đẽ mà còn vươn tới sự thánh thiện và suối nguồn tươi mát. Để cuối cùng, sau khi nghe cô hát, người ta phải đồng tình với nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng khi nhìn nhận rằng: "Phạm Thu Hà có phẩm cách và tố chất của một ngôi sao lớn".
Phạm Thu Hà luôn lan tỏa những điều tươi vui, trong trẻo, thánh thiện
Trong phóng sự phát xen kẽ giữa chương trình, nhạc trưởng Đồng Quanh Vinh nhận xét: "Phạm Thu Hà luôn có sự chia sẻ và luôn đem âm nhạc hàn lâm đến với mọi người. Trên bất kỳ sân khấu nào và trong bất kỳ tiết mục nào, Phạm Thu Hà cũng lan tỏa những điều tươi vui, trong trẻo, thánh thiện…". Ca sỹ Nam Khánh – bậc đàn anh trong nghề cũng thừa nhận: "Phạm Thu Hà hát cổ điển nhưng vẫn rất đầy đặn cảm xúc".
Trò chuyện với MC Mỹ Vân, Phạm Thu Hà bộc bạch rằng: "Âm nhạc đã mang đến cho Hà rất nhiều giấc mơ. Và giấc mơ lớn lao nhất trong giây phút hiện tại là chinh phục được khán giả có mặt trong khán phòng. Hà đã mượn âm nhạc để cho khán giả thấy được những năng lượng tích cực ở mình nhưng đồng thời cũng qua âm nhạc mà lan tỏa năng lượng tích cực đó đến với khán giả".
Nữ ca sĩ thay ba bộ trang phục trong chương trình. Ảnh: Toàn Vũ
Nữ ca sĩ cũng thừa nhận rằng: "Âm nhạc cổ điển là không tuổi. Các thầy cô càng lớn tuổi lại hát càng trẻ, càng hay. Vì thế Hà không bao giờ sợ mình già. Nhất là khi trong người có một chút "máu điệu" nên lúc nào Hà cũng thấy mình trẻ trung, tươi vui".
Trong các phần giao lưu giữa chương trình, Phạm Thu Hà rất khiêm tốn và kiệm lời. Cô gần như trút hết những điều muốn nói vào âm nhạc, dùng âm nhạc để giao cảm với tâm hồn của người nghe. Có lẽ vì thế mà bài hát nào của Phạm Thu Hà cũng rất rõ thông điệp và rõ lời tiếng Việt. Nữ ca sĩ cho rằng, nghệ sĩ Việt hát nhạc cổ điển thường không rõ lời Việt nên cô phải rèn luyện để làm sao khi hát lên người nghe cùng đồng điệu cảm xúc với mình. Và trong hành trình âm nhạc 10 năm đi qua, Phạm Thu Hà đã vươn tới điều mình muốn.
Ở phần cuối chương trình, Phạm Thu Hà xuất hiện dịu dàng với tà áo dài thướt tha, duyên dáng của người phụ nữ Việt. Cô thể hiện Bài ca hy vọng, mashup Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui - Để gió cuốn đi - Sống như những đoá hoa như lời nhắn nhủ đến mọi người "đừng bao giờ tắt hy vọng, hãy chọn lấy niềm vui mà sống và sống như những đóa hoa thật đẹp giữa vườn hoa cuộc đời".
Đặc biệt, bản phối khí Bài ca hy vọng sử dụng kèn Fargot và Guitar của nhạc sỹ Tuấn Nam thực sự đã gây một ấn tượng với người nghe. Như thể một cuộc đối thoại nội tâm giữa hai phần trong một con người, kèn Fargot - âm thanh biểu tượng của thắng trận lặp lại như lời an ủi của linh hồn nhẹ nhàng mà kiên nhẫn về một niềm tin chắc chắn sẽ chiến thắng ở tương lai, đối diện với niềm khắc khoải, dằn vặt đầy cảm xúc của bản ngã - những sắc thái của guitar dường như không thể kìm nén được mong muốn được nhìn thấy sự đoàn tụ của những trái tim. Tác phẩm phối khí của nhạc sỹ Tuấn Nam đã tạc nên một biểu hiện mới cho Bài ca hy vọng.
Không biết có phải đã tính toán sẵn hay chỉ là sự vô tình nhưng đêm nhạc mở đầu bằng lời nguyện cầu tốt đẹp và khép lại bằng thông điệp ý nghĩa trong nhịp điệu reo vui như một mạch dài hân hoan, đưa người nghe xích lại gần hơn với âm nhạc và dung nạp thêm những năng lượng tích cực. Đó cũng là tâm nguyện mà Phạm Thu Hà đã chia sẻ từ đầu chương trình: "Hà luôn muốn đem âm nhạc, sự tươi vui, sự thánh thiện, sự tích cực đến với mọi người để xóa nhòa những tổn thương trong mỗi con người".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.