Ukraine: Nước cờ mới của Putin khiến châu Âu nổi da gà

Tuấn Anh (Theo TheGuardian) Thứ ba, ngày 18/01/2022 13:30 PM (GMT+7)
Nga đã bắt đầu chuyển quân đến nước láng giềng phía bắc của Ukraine là Belarus để tập trận chung, trong một động thái có thể làm gia tăng lo ngại ở phương Tây rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công Ukraine.
Bình luận 0
Ukraine: Nước cờ mới của Putin khiến châu Âu nổi da gà - Ảnh 1.

Nga và Belarus cũng từng tham gia một cuộc tập trận chung ở vùng Nizhny Novgorod vào tháng 9 năm ngoái.

Các cuộc tập trận quân sự chung có tên United Resolve sẽ diễn ra khi Nga cũng tập hợp lực lượng dọc theo biên giới phía đông của Ukraine, đe dọa một cuộc tấn công tiềm tàng có thể dẫn đến cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Alexander Volfovich, người đứng đầu hội đồng an ninh Belarus cho biết trong một cuộc họp báo rằng quân đội đã đến trước cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới, trong khi đó các video trên mạng xã hội Belarus cũng cho thấy hình ảnh thiết bị pháo binh của nước này đã được di chuyển. Volfovich khẳng định thời gian tập trận "không có gì bất thường" vì đã được lên kế hoạch từ năm ngoái. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự nghi ngờ điều này, bởi một trong những kịch bản nếu Nga tấn công Ukraine là mượn Belarus làm bàn đạp.

Một số nhà phân tích quân sự trước đó đã cho rằng Nga có thể gửi lực lượng của mình qua Belarus trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công rộng lớn, kéo dài hiệu quả các tuyến phòng thủ của Ukraine bằng cách tận dụng biên giới dài gần 700 dặm của hai nước. Những người khác tin rằng Belarus sẽ không đóng một vai trò nghiêm trọng trong cuộc xung đột nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine.

Thời gian qua, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đáp lại sức ép và sự cô lập của quốc tế bằng cách tăng cường quan hệ với Nga, ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng quân đội của Putin khi ông nhận được hỗ trợ ngoại giao và kinh tế từ Điện Kremlin để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông cũng đã từ bỏ lập trường được cho là trung lập của đất nước mình về cuộc xung đột Ukraine và công khai tán thành việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Các cuộc tập trận sẽ được tổ chức ở phía tây của Belarus, gần biên giới của các thành viên NATO là Ba Lan và Litva, và sườn phía nam của nó với Ukraine, Tổng thống Lukashenko cho biết. Các cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của các binh sĩ Belarus và Nga huấn luyện để đẩy lùi các cuộc tấn công trên không và trên bộ, vô hiệu hóa kẻ thù và thực hành các bài diễn tập khác.

Các báo cáo từ Nga cũng cho thấy nhiều thiết bị quân sự, bao gồm xe tăng và tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được vận chuyển khắp đất nước về phía Ukraine trong tuần trước.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết trước cuộc gặp với người đồng cấp Nga dự kiến diễn ra trong hôm nay rằng bà hy vọng căng thẳng có thể được giải quyết bằng ngoại giao nhưng nếu không Moscow sẽ phải trả một "giá đắt" cho những hành động gây hấn với Ukraine.

Không có quân số hoặc khung thời gian cụ thể nào được nêu tên cho các cuộc tập trận chung Nga-Belarus, mà Putin đã công bố trong cuộc gặp thượng đỉnh với Lukashenko vào cuối tháng 12. Đến ngày 17/1, Tổng thống Lukashenko vẫn nói rằng ngày chính xác trong tháng 2 vẫn đang được xác định.

Ông nói trong cuộc họp báo rằng các cuộc tập trận là cần thiết vì sự hiện diện của lực lượng NATO ở các nước láng giềng Ba Lan và các nước Baltic, cũng như việc Ukraine triển khai quân tới biên giới để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư hồi cuối năm 2021.

"Tại sao chúng tôi và Nga lại bị chỉ trích vì tổ chức các cuộc diễn tập, tập trận? Có một số cái đầu nóng đang kêu gọi chiến tranh", ông Lukashenko cho biết trong một bài phát biểu, trong đó ông nói rằng các nước phương Tây đã đồn trú gần 30.000 quân gần biên giới của đất nước ông. Ông Lukashenko cũng cho rằng Kiev đang chuẩn bị các tiểu đoàn "những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan". Một quan chức Ukraine gọi những nhận xét đó là thao túng và "một phần của cuộc chiến thông tin".

Về phía Nga, đến thời điểm này, cả Tổng thống Putin và giới quan chức cấp cao của Nga luôn khẳng định, Moscow duy trì con đường đàm phán ngoại giao để giảm căng thẳng giữa Nga- NATO; Nga-Ukraine.

Kịch bản kế hoạch tấn công của Nga do Viện Nghiên cứu Chiến tranh phác thảo:

1. Miền nam Ukraine

Lực lượng Nga tấn công từ Crimea và Donbas 'với ý định kéo lực lượng Ukraine đến đó'

2. Đông Ukraine

Lực lượng cơ giới hóa của Nga bao vây và cắt đứt các thành phố lớn như Kharkiv, Dnipro và Kiev

3. Sông Dnepr

Hầu hết các lực lượng Nga dự kiến sẽ dừng bước tiến của họ ở con sông, ngoại trừ những người đang hướng đến Kiev

4. Bờ Biển Đen

Đánh chiếm Odessa qua Transnistria, Crimea sẽ giúp Nga kiểm soát hiệu quả đường bờ biển của Ukraine

5. Kiev

Các lực lượng Nga có thể tránh phải vượt qua Dnepr bên trong Ukraine bằng cách tiến vào Kiev từ phía đông nam Belarus

6. Tây Nam Belarus

Tiến vào Kiev từ xa hơn về phía tây có nghĩa là lực lượng Nga có thể bỏ qua đầm lầy Pripet và khu vực Chernobyl


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem