Ngọc Trinh bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng, căn cứ pháp lý để tạm giam là gì?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 20/10/2023 10:03 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã đưa ra quan điểm về việc Ngọc Trinh bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng nhưng lại bị tạm giam.
Bình luận 0

Ngọc Trinh bị khởi tố, bắt tạm giam

Chiều 19/10, Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh, 34 tuổi) bị Công an TP.HCM bắt tạm giam về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Liên quan vụ án, Trần Xuân Đông (36 tuổi, thầy dạy lái xe của Ngọc Trinh) bị khởi tố về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", Đông được tại ngoại.

Vì sao Ngọc Trinh bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng nhưng lại bị tạm giam? - Ảnh 1.

Ngọc Trinh tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Theo Công an TP.HCM, động thái khởi tố, bắt tạm giam người mẫu Ngọc Trinh được đưa ra sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phối hợp Phòng CSGT, Công an TP.Thủ Đức và các Phòng nghiệp vụ giải quyết nguồn tin về tội phạm, đối với hành vi "trình diễn" mô tô phân khối lớn bằng những hành động nguy hiểm do Ngọc Trinh thực hiện, sau đó đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận.

Theo Công an TP.HCM, kết quả điều tra xác định, Ngọc Trinh dù không có giấy phép lái xe hạng A2 nhưng vào ngày 6/10 đã cùng Đông chạy xe BMW, dung tích xi lanh 999 cm3, biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu Công nghệ cao (thuộc phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe.

Trước đó, đầu tháng 9, hai người này cũng điều khiển môtô hiệu "Ninja" lưu thông trên đoạn đường Trần Bạch Đằng (Khu đô thị Thủ Thiêm) thực hiện các động tác như: đứng 2 chân một bên xe, thả 2 tay để xe tự chạy, ngồi một bên yên xe để tự chạy...

Vẫn theo Công an TP.HCM, việc đăng tải, phát tán nội dung trên đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ, đặc biệt đây là tài khoản mạng xã hội được hàng triệu người theo dõi.

Căn cứ để tạm giam Ngọc Trinh

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với thông tin ban đầu như trên, Ngọc Trinh bị khởi tố theo khoản 1, Điều 318 Bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định tại Điều 9, Bộ luật hình sự. Trong trường hợp bị kết tội về tội danh này, hình phạt cao nhất là đến 2 năm tù, trừ trường hợp bị can, bị cáo còn phạm tội khác (nếu có).

Theo ông Cường, điều đáng chú ý trong vụ án này, là cơ quan điều tra khởi tố Ngọc Trinh về tội gây rối trật tự công cộng nhưng lại áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can để điều tra.

Thông thường đối với các tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, mặc nhiên sẽ không tạm giam, chỉ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi khởi tố bị can.

Chỉ áp dụng biện pháp tạm giam với các bị can bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng nếu như bị can không có nơi cư trú rõ ràng, có dấu hiệu bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra...

Tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là các biện pháp ngăn chặn bị can để thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Nếu bị áp dụng biện pháp tạm giam, bị can sẽ bị giam giữ, bị cách ly với đời sống xã hội trong thời gian tiến hành tố tụng.

Còn nếu áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bị can vẫn được ăn ở sinh hoạt bình thường tại nhà, tại nơi cư trú của mình và chỉ có mặt khi cơ quan điều tra yêu cầu.

Vì sao Ngọc Trinh bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng nhưng lại bị tạm giam? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Cụ thể hơn, Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo trong những trường hợp sau: Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và trong trường hợp có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kì nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc là người già yếu, người đang bệnh nặng, có nơi cư trú rõ ràng sẽ không bị tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có căn cứ cho rằng nếu không tạm giam, người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì mới tạm giam họ.

Như vậy, trường hợp Ngọc Trinh bị điều tra theo khoản 2, Điều 318 (hình phạt trên 2 năm tù) và có căn cứ cho thấy nếu không tạm giam, bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở hoạt động điều tra, cơ quan điều tra mới tiến hành tạm giam để điều tra theo quy định pháp luật.

Ông Cường cho rằng, trong vụ án này, có lẽ căn cứ vào văn bản kiến nghị của chính quyền địa phương và đánh giá những tác động tiêu cực từ hành vi vi phạm giao thông đường bộ đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội nên cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết liệt xử lý, xác định hành vi là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên đã khởi tố vụ án hình sự, tạm giam bị can đối với Ngọc Trinh.

"Nếu chỉ là hành vi vi phạm về giao thông đường bộ của một người bình thường, có thể xử phạt hành chính là phù hợp.

Tuy nhiên, có lẽ cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá Ngọc Trinh là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng xã hội, hành vi của những những này rất dễ tác động trực tiếp đến tâm lý, hành động, thói quen của giới trẻ nên cơ quan điều tra đã xử lý quyết liệt" – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem