Vùng đất dân đổi đời nhờ nuôi tôm sú to, cua bự ở Cà Mau

Chủ nhật, ngày 15/12/2019 07:05 AM (GMT+7)
Để tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, đến nay toàn huyện Phú Tân (Cà Mau) có trên 7.300 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm, cua, sò, cá kết hợp, với diện tích trên 13.000ha.
Bình luận 0

Những năm gần đây, huyện Phú Tân (Cà Mau) chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình sản xuất mới theo hướng chú trọng năng suất và hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Từ đó, tiềm năng đất đai được phát huy với thế mạnh nuôi trồng thủy sản, đời sống người dân có chuyển biến tích cực.

img

Hộ ông Phạm Văn Trung ở ấp Tân Quảng Tây, xã Nguyễn Việt Khái (bìa phải) lợi nhuận trên 120 triệu đồng/ha/vụ từ nuôi tôm quảng canh hai giai đoạn.

Toàn huyện hiện có hơn 39.000ha nuôi trồng thủy sản; trong đó có 477ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh, với 434 hộ nuôi, năng suất từ 20 - 40 tấn/ha. Điển hình như hộ ông Lữ Hiền (ấp Đất Sét, xã Phú Thuận), ông Nguyễn Văn Dự (ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây), ông Trần Văn Tuấn (ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo), ông Trần Tấn Nhã (ấp Đất Sét, xã Phú Thuận), lợi nhuận gần 500 triệu đồng/vụ.

Huyện có hơn 1.700ha ao, đầm nuôi tôm công nghiệp thâm canh, với gần 2.700 hộ nuôi, năng suất từ 6 - 8 tấn/ha. Điển hình như hộ ông Trần Quốc Đảm (ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây), ông Nguyễn Trường Giang (ấp Lê Năm, xã Rạch Chèo)... lợi nhuận mỗi vụ hơn 300 triệu đồng.

Các loại hình nuôi tôm bền vững tiếp tục phát huy hiệu quả với trên 20.100ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến, có gần 15.000 hộ nuôi, năng suất bình quân mỗi vụ nuôi đạt 550kg/ha.

Đây là loại hình nuôi phù hợp với điều kiện của nhiều nông dân trong huyện hiện nay, do không đòi hỏi cao về kỹ thuật, vốn, đồng thời cho hiệu quả kinh tế khá và ổn định. Các hộ nuôi thành công có hộ ông Lương Chí Linh (ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây), ông Lê Ngọc Giao (ấp Đất Sét, xã Phú Thuận), lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/vụ.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn cũng được nhiều hộ dân thực hiện thành công. Tính đến nay có hơn 6.600 hộ thực hiện, với diện tích hơn 7.800ha, năng suất bình quân mỗi vụ đạt 600kg/ha, cá biệt có hộ đạt 1.000kg/ha.

Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, lợi nhuận trên 120 triệu đồng/ha/vụ. Tiêu biểu như hộ ông Lê Quốc Khải (ấp Thứ Vải, xã Tân Hưng Tây), hộ ông Phạm Văn Trung (ấp Tân Quảng Tây, xã Nguyễn Việt Khái). Hình thức nuôi này hiện đang được nhiều nông dân chú trọng thực hiện.

img

Mô hình nuôi đa con: Tôm, cua, cá của ông Hồng Văn Lâu (ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân) cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.

Để tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, đến nay toàn huyện có trên 7.300 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm, cua, sò, cá kết hợp, với diện tích trên 13.000ha. Điển hình như hộ ông Nguyễn Mai Hằng (ấp Má Tám, xã Việt Thắng), hộ ông Ngô Văn Tiền (ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái), hộ ông Hồng Văn Lâu (ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân)… sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Các mô hình này được xem là một trong những giải pháp nâng cao năng suất, giúp bà con tăng thu nhập, đa dạng hình thức sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ông Trần Minh Huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện: “Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân. Trong đó tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả”.

A.P (Báo ảnh Đất Mũi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem