Xác minh đạo văn hay không, khó đến vậy sao?

PV Thứ ba, ngày 03/07/2018 09:54 AM (GMT+7)
Sau cuộc họp của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Ngôn ngữ học xem xét nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn – nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, “quả bóng trách nhiệm” lại được đẩy đến các cơ quan khác.
Bình luận 0

“Chuyền bóng”, đẩy trách nhiệm

Thời gian qua, báo Điện tử Dân Việt đã phản ánh nghi vấn của nhiều chuyên gia ngôn ngữ học việc GS Nguyễn Đức Tồn – nguyên Viện trưởng Viện ngôn ngữ học đạo văn. Sau đó, ông Nguyễn Đức Tồn vẫn được phong Giáo sư vào năm 2009.

Ngày 17.5, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước gửi công văn tới Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học đề nghị "kiểm tra và có ý kiến chính thức bằng văn bản" về việc GS Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn.

Tiếp đó, ngày 27.5 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT làm rõ nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn nhằm bảo đảm nghiêm minh, khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

img

GS.TS Nguyễn Đức Tồn. Ảnh: Dân trí

Tuy nhiên, cuộc họp ngày 13.6 vừa qua của Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã họp với sự tham gia của 11/13 thành viên (có hai thành viên vắng mặt do đang ở nước ngoài) và 4 vị khách mời từ Văn phòng HĐCDGS Nhà nước, Thanh tra của Bộ GD-ĐT lại không đưa ra được kết luận nào.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT cần làm rõ “nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn”. Tuy nhiên, theo thông tin GS Trần Ngọc Thêm cung cấp, sau khi thảo luận, nhiệm vụ cuộc họp lại được cụ thể hóa thành hai việc.

Một là làm rõ mối quan hệ giữa những phản ánh "đạo văn" mà báo chí đã nêu với Hồ sơ đăng ký chức danh Giáo của ứng viên Nguyễn Đức Tồn năm 2009, rà soát lại xem hồ sơ này có đáp ứng các tiêu chuẩn của chức danh GS hay không.

Hai là, xem xét và cho ý kiến về dư luận do báo chí nêu ra về việc "đạo văn" của GS Nguyễn Đức Tồn có đúng sự thật hay không.

Vấn đề thứ nhất, GS Trần Ngọc Thêm cho biết Hội đồng đã rà soát hồ sơ và nhận thấy hồ sơ của ứng viên Nguyễn Đức Tồn năm 2009 không chứa các công trình mà dư luận hiện nay cho là có đạo văn.

Vấn đề thứ hai, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng do tính chất đặc biệt phức tạp của vấn đề liên quan đến việc thiếu cơ sở pháp lý để Hội đồng làm việc, liên quan đến một số việc nằm ngoài chuyên môn của Hội đồng Ngành, đến nhiều người nằm ngoài phạm vi tiếp cận của Hội đồng Ngành, đến việc quản lý nhân sự đối với người bị phản ánh đạo văn, tuyệt đại đa số thành viên của Hội đồng đã biểu quyết tán thành đề nghị chuyển giao công việc xác minh  cho cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý GS Nguyễn Đức Tồn kiểm tra và xử lý theo quy định.

Như vậy, “quả bóng trách nhiệm” vốn được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước giao cho Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã được “đá sang cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý Giáo sư Nguyễn Đức Tồn”.

“Đánh tráo sự việc”

Việc xem xét hồ sơ 2009 của GS Nguyễn Đức Tồn được một số thành viên trong Hội đồng vừa qua xem là “đánh tráo sự việc cần xem xét”.

Bởi trong hồ sơ 2009, ông Nguyễn Đức Tồn đã thay thế 2 cuốn sách đạo văn được xuất bản trước đó (cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt - Trong sự so sánh với những dân tộc khác in năm 2002” và cuốn “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở in tháng 5.2001”)  bằng hai cuốn hoàn toàn khác.

Đó là cuốn “Từ đồng nghĩa tiếng Việt” (in năm 2006) và cuốn “Mấy vấn đề lý luận và phương pháp dạy - học từ ngữ tiếng Việt trong nhà trường,” in năm 2003. Nghĩa là hồ sơ của ông Tồn năm 2009 là hồ sơ “sạch”.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công (tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu) cho rằng cái sai của Hội đồng năm 2009 là ở chỗ “đã chấp nhận hồ sơ của ông Tồn, với lí do ông Tồn đã thay hồ sơ có 2 công trình đạo văn trước đây bằng hồ sơ có 2 công trình khác, đã được làm sạch các dấu vết đạo văn.

Cách làm này của Hội đồng năm 2009  được cho là đã bỏ qua Khoản 1 về tiêu chuẩn nhà giáo theo Luật giáo dục và Khoản 2 về tiêu chuẩn trung thực của Điều 8 Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Trong thực tế, người được phong giáo sư năm 2009 vẫn là ông Nguyễn Đức Tồn, với nghi vấn đạo văn từ những năm trước – chứ không phải một ông Nguyễn Đức Tồn nào khác!

Bên cạnh đó, việc Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học đề nghị “cơ quan chức năng xử lý” được các chuyên gia cho rằng là đùn đẩy trách nhiệm. Vì Hội đồng hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý để có thể xử lý nghi vấn đạo văn.

Cụ thể, Khoản 1 điều 18 Quyết định 174/2008/QĐ-TTg quy định đối tượng bị hủy bỏ/tước bỏ công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư là: Những người đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; những người đã được phong hoặc được công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành bị phát hiện và xác định là không đủ tiêu chuẩn quy định tại thời điểm được phong hoặc công nhận.

Tuy nhiên, Hội đồng đã không đưa ra được kết luận GS Nguyễn Đức Tồn có đạo văn hay không. Dù bằng chứng là nhiều chương trong 2 cuốn sách của GS Nguyễn Đức Tồn có sự giống nhau đến kỳ lạ hay giống nguyên xi của luận án, luận văn, bài báo của các tác giả đã công bố trước đó đã được đưa ra Hội đồng xem xét.

GS Nguyễn Văn Lợi - Nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học nhiệm kỳ trước năm 2009 cho rằng: “Khác với vi phạm bản quyền, đạo văn xét chủ yếu ở góc độ đạo đức. Trung thực là yêu cầu số một của người làm khoa học. Điều 174 quy chế xét phong Giáo sư cũng quy dịnh: Trung thực là yêu cầu trước tiên của GS”. 

Một chuyên gia ngành Ngôn ngữ học cũng đề nghị cần phải làm rõ, kết luận rõ ràng, giải quyết triệt để nghi vấn đạo văn kể trên để bảo vệ đạo đức khoa học, giữ gìn sự tôn nghiêm, minh bạch trong giáo dục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem