|
Bí Nhật tại siêu thị Big C (Hà Nội) cũng được nhiều người dân quan tâm. |
Cùng với điện thoại iPhone và hạ tầng mạng 3G mà NTNN đã phản ánh, việc nhập các mặt hàng trên đã góp phần làm tăng nhập siêu.
Chỉ trừ... cám lợn là không nhập
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, riêng các mặt hàng thực phẩm nhập vào nước ta đã lên đến 1,179 tỷ USD, trong đó thuỷ sản 73 triệu USD, sữa và sản phẩm sữa 175 triệu USD, rau quả 62 triệu USD, dầu mỡ và động vật 151 triệu USD...
Nếu tính cả nguyên liệu gỗ, thuốc trừ sâu, phân bón con số này lên đến 1,825 tỷ USD, chưa kể nếu tính cả các nguyên liệu cho ngành dệt may (cũng từ sản xuất nông nghiệp), tổng kim ngạch nhập khẩu đã lên đến gần 3,2 tỷ USD.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản cả nước mới đạt... 3,49 tỷ USD.
Cứ nói VN là nước nông nghiệp, nhưng xét cho cùng chỉ trừ mỗi… cám lợn, còn lại phải nhập hết, từ khô dầu đậu tương, ngô cho đến bột cá.
Ông Lê Bá Lịch
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) VN cho rằng: "Cứ nói VN là nước nông nghiệp, nhưng xét cho cùng chỉ trừ mỗi… cám lợn, còn lại phải nhập hết, từ khô dầu đậu tương, ngô cho đến bột cá".
Theo ông Lịch, ngay trong TĂCN, có những nguyên liệu như axit amin, khoáng chất, lyzin… chúng ta có thể nghiên cứu để sản xuất trong nước được thay vì bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập khẩu.
Việc nhập khẩu rau quả ngoại lên tới 62 triệu USD cũng được coi là một nghịch lý. Ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả VN cho rằng: "Những loại quả trong nước không trồng được như táo Mỹ, chuối Chile có thể phải nhập, còn nhập cam, xoài, nho - những thứ trong nước có đầy thì khó chấp nhận. Cái này, chúng ta nên xem lại sơ đồ nhập khẩu xem có cân bằng hay không, rồi từ đó có kế hoạch điều chỉnh số lượng nhập cho phù hợp".
Nhập siêu 5-10 năm nữa
Ngoài các mặt hàng trên, theo Bộ NN&PTNT, gần đây chúng ta nhập khẩu nhiều loại đặc sản cao cấp khác như bò Úc, cá hồi Na Uy...
Ông Nguyễn Văn Kỳ cho rằng: "Trên thực tế, nước nào cũng phải có nhập, có xuất. Nếu đời sống người dân nâng cao, nhu cầu thưởng thưc hàng đặc sản lớn thì việc nhập sẽ không có gì quá đáng. Thế nhưng, hiện nhiều loại hàng nông sản, thực phẩm trong nước rất tốt, rẻ thì nhập khẩu để làm gì. Nếu nhập chẳng qua do tâm lý sính ngoại mà thôi. Nếu hàng trong nước yếu kém, năng lực cạnh tranh thấp thì cần nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, thay đổi cách đóng gói, nhằm có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập”.
Ông Lê Bá Lịch cũng đề nghị: "Các nhà quản lý đổ thừa cho gia nhập WTO là phải tự do hoá thương mại. Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở đó. Chúng ta cần dựng và thiết lập được hàng rào kỹ thuật để hạn chế những mặt hàng kém chất lượng hoặc trong nước có thể sản xuất được. Trách nhiệm ở đây thuộc về chính các bộ, ngành quản lý chuyên môn".
Trao đổi với NTNN, ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: "Tình trạng nhập siêu ở nước ta chắc chắn còn diễn ra trong 5-10 năm tới. Hiện hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu. Như để sản xuất lúa gạo phải nhập phân bón, thuốc trừ sâu…
Ông Thắng đề xuất: "Để giải quyết được gốc gác vấn đề, về lâu dài chúng ta cần xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ tại chỗ cho toàn bộ nền kinh tế. Trước mắt, khi vẫn phải nhập khẩu, cần áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để làm tăng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu nhằm mục đích bù lại cho cán cân nhập khẩu.
Đồng thời tích cực mở rộng sản xuất, ưu tiên phát triển những sản phẩm thuỷ, hải sản, thực phẩm đặc sản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngay trong nước".
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.