Bảo tàng 30 tỷ dùng 9 năm đã hỏng: Câu hỏi trách nhiệm là chuyện quá dĩ vãng?

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 28/04/2017 09:13 AM (GMT+7)
Lãnh đạo từng đảm đương công việc xây dựng bảo tàng 30 tỷ mới dùng 9 năm đã hư hỏng nặng cho rằng câu hỏi trách nhiệm là câu chuyện quá dĩ vãng.
Bình luận 0

Do thiết kế và người sử dụng?

Như Dân Việt đã đưa tin, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị khởi công vào tháng 2.2000, tổng số vốn 30 tỷ đồng. Năm 2006, bảo tàng hoàn thành phần xây lắp. Năm 2008, chính thức đi vào hoạt động.

Chỉ 9 năm đi vào hoạt động bảo tàng này đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Phần nền bảo tàng bị sụt lún, lan can vỡ nát, trần nhà thấm dột, bong rộp, rớt ra từng mảng, phần mái hư hỏng nặng nề… gây bức xúc trong nhân dân.

img

Trần nhà Bảo tàng tỉnh Quảng Trị rớt ra từng mảng gây nguy hiểm cho khách tham quan nên nhiều nơi buộc phải tạm dựng hoạt động. Ảnh: Ngọc Vũ

Để rộng đường dư luận, PV Dân Việt tìm gặp ông Nguyễn Bình, hiện là Phó Giám đốc Sở KHCN Quảng Trị, trước đây là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Trị (nay là Sở VHTT-DL) - người phụ trách trực tiếp việc xây dựng bảo tàng tiền tỷ nói trên.

Ông Bình thừa nhận bảo tàng tỉnh Quảng Trị xuống cấp khá trầm trọng.

img

Hành lang, nền bảo tàng tiền tỷ bị sụt lún, nứt toác. Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Bình lý giải nguyên nhân xuống cấp vì hệ thống sê nô (thu nước) ở phần mái được đặt ngầm trong tường của bảo tàng dẫn xuống đất. Do đơn vị sử dụng không vệ sinh khiến rác phủ lấp, hệ thống sê nô bị tắc dẫn đến nước thấm dột vào trần bảo tàng gây hư hỏng nghiêm trọng.

Bảo tàng tiền tỷ xây dựng trên nền đất ruộng thấp, phải đổ 4-5 mét đất để nâng nền. Tuy nhiên, đơn vị thiết kế lại không có hệ số K (hệ số lu nén nền).

Theo ông Bình, nguyên tắc thi công công trình phải bốc lớp phong hóa, khi đổ đất nâng nền phải có hệ số K, đổ mỗi lớp đất là phải lu, nén kỹ càng. Đằng này, đổ đất nâng nền 4-5 mét nhưng chỉ lu nén có 1 lần ở mặt trên cùng nên bây giờ xảy ra sụt lún, khó khắc phục.

“Lúc đó anh Quảng là kỹ thuật (ông Đào Văn Quảng – Phó Ban quản lý dự án Sở VHTT-DL Quảng Trị - PV) cũng chủ quan nữa, mình đã nhắc nhiều lần. Lúc thi công đã bị lún rồi. Sau này hội đồng xây dựng bảo tàng họp nhiều lần, bổ sung hệ số K nhưng đã muộn. Rồi sau đó sửa chữa nhiều lần nhưng theo kiểu giật gấu vá vai” – ông Bình nói.

Câu hỏi trách nhiệm quá dĩ vãng

Khi PV hỏi: “Là người phụ trách xây dựng bảo tàng tỉnh mới sử dụng đã xuống cấp, ông có suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình?”, ông Bình cho rằng: “Thời gian bây giờ đến đó đã hơn 10 năm rồi. Câu hỏi đó là câu chuyện quá dĩ vãng”.

Trong khi đó, ông Lê Công Định, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị cho rằng, phải kiểm tra lại mới đánh giá được sự xuống cấp của bảo tàng. Nếu bảo tàng tiền tỷ xuống cấp quá nhanh thì cần phải truy cứu trách nhiệm đối với các cơ quan, cá nhân liên quan.

img

Phần nền của Bảo tàng bị sụt lún, gạch hoa vỡ nát. Ảnh: Ngọc Vũ

Một lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Trị cho rằng, công trình được đầu tư vốn lớn như vậy phải có tuổi thọ ít nhất vài chục năm chứ không thể chỉ trong thời gian ngắn lại hư hỏng nặng như vậy.

Trao đổi với PV Dân Việt chiều 27.4, ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thừa nhận bảo tàng nhanh xuống cấp và đã thống nhất chủ trương cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp.

PV Dân Việt hỏi: “Có cần truy cứu trách nhiệm các cơ quan, cá nhân liên quan trọng việc xây dựng bảo tàng nhanh xuống cấp hay không?”, lúc đầu ông Mai Thức nói rằng: “Bảo tàng xuống cấp thì chúng tôi cho sửa chữa, thế thôi. Chứ bây giờ cứ bắt moi lại chuyện trước kia thế này thế kia không được. Chúng tôi không làm vì trước kia có người khác phụ trách lĩnh vực đó”.

Nhưng sau đó ông Mai Thức lại nói rằng: “Việc đó các cơ quan chuyên môn sẽ kiểm tra. Nếu họ đánh giá rằng việc này do thiết kế sai, xây lắp sai hay thế nào đó thì họ có văn bản báo cáo cho nâng cấp hay cho truy cứu trách nhiệm, việc đó là việc của các cơ quan chuyên môn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem