Chuyện ông Lới cứu tàu giữa biển dữ rồi... lẳng lặng ra về

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 12/06/2014 13:44 PM (GMT+7)
Ông Lới cứu tàu - Đó là biệt danh mà ngư dân thị trấn Cửa Việt đặt cho lão ngư Võ Lới (60 tuổi), trú tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Lới còn là Trưởng ban tự quản tàu thuyền, cũng là ân nhân của nhiều ngư dân. 
Bình luận 0

Bám biển làm giàu

Ông Lới là anh cả trong gia đình nghèo 7 anh em, vì vậy mà 12 tuổi đã phải cùng cha mẹ ra khơi đánh cá. Khi đến tuổi trưởng thành, ông đi bộ đội và rời quân ngũ năm 1977. Lúc này, cuộc sống gia đình vẫn chưa hết kham khổ, cho đến năm 1987, ông Lới mạnh dạn vay vốn ngân hàng và bạn bè mua chiếc tàu công suất 16,5CV để ra khơi.

Chăm chỉ làm lụng, tích cóp, mãi 6 năm sau ông mới có đủ tiền để mua thêm tàu lớn công suất 45CV. Năm 2003, ông mạnh dạn “thầu” hẳn con tàu đánh cá 250CV, công suất cao gấp hơn 5 lần con tàu cũ.

“Khi đánh bắt bằng tàu 45CV, công suất nhỏ nên tôi chỉ đánh ven bờ, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Từ khi mua tàu to, gia đình tôi thường xuyên thực hiện những chuyến đánh bắt xa bờ, dài ngày nên đời sống khấm khá hơn rất nhiều” – ông Lới cho biết.

Say mê biển như ông Lới thì con tàu 250CV vẫn chưa giúp ông thỏa chí “tang bồng”, vậy là năm 2011, ông tiếp tục đầu tư vốn, đóng thêm chiếc tàu đánh cá lớn nhất thị trấn Cửa Việt lúc bấy giờ, công suất lên tới 400CV. Có những chuyến biển, ông đi hàng chục ngày, toàn đánh bắt cá to, nhờ vậy mà việc tiêu thụ cũng thuận lợi.

Từ ngày sở hữu trong tay 2 con tàu lớn, gia đình ông Lới làm không hết việc, đồng thời còn tạo công ăn việc làm cho 24 lao động tại địa phương. Ông Lới chia sẻ: “Nhờ mạnh dạn đóng tàu lớn nên mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, tôi thu về 2 tỷ đồng, còn 24 bạn thuyền, mỗi người cũng có thu nhập 105 triệu đồng”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Lới còn được xem là “Mạnh Thường Quân” của ngư dân Cửa Việt khi thường xuyên ủng hộ các quỹ vì người nghèo, góp quỹ xây dựng đường làng, ngõ xóm, cơ sở hạ tầng…

Có bận, ông còn cho bà con ở Cửa Việt mượn tiền không lấy lãi đến 400 triệu đồng. Thậm chí có vài gia đình mượn tiền đến 6 - 7 năm chưa trả, ông cũng không đòi. Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Năng (khu phố 2, thị trấn Cửa Việt) vay mượn anh em, bạn bè để sắm chiếc tàu ra khơi nhưng mãi mà vẫn thiếu vốn.

“Lúc đó tôi không còn biết xoay xở đâu ra tiền nữa, may nhờ ông Lới cho mượn 100 triệu đồng tôi mới đủ tiền mua tàu. Giờ tôi làm ăn khấm khá rồi, mỗi năm cũng thu được tỷ bạc” – ông Năng hồ hởi nói.

Hay như ông Lê Lào, mượn 12 triệu đồng của ông Lới từ năm 2007 để nuôi 2 con học đại học. Nay các con ông đã ra trường, có công việc ổn định nhưng khổ nỗi, vợ chồng ông Lào nay ốm mai đau nên số nợ đó mãi chưa thể trả được. “Ông Lới rộng lòng, chưa một lần than phiền về số tiền nợ của tôi” – ông Lào cảm kích.

Nhắc đến chuyện này, ông Lới khiêm tốn nói: “Tôi coi việc giúp bà con cũng là tự giúp mình mà thôi”.

Ân nhân của ngư phủ

Đi biển từ năm 12 tuổi, ông Lới hiểu rõ sự nguy hiểm nơi biển khơi mênh mông khi gặp sóng gió bão bùng. Vậy nên năm 2009, ông đứng ra kêu gọi anh em ngư phủ thành lập Ban tự quản tàu thuyền khu phố 2 (thị trấn Cửa Việt) để tiện bề liên lạc, cứu hộ lẫn nhau. Lúc đầu, Ban tự quản chỉ có 5 tàu, nhưng đến nay, thấy được lợi ích lâu dài của ban, gần 20 tàu đã đăng ký gia nhập.

Là Trưởng ban tự quản, ông Võ Lới gánh trên vai trọng trách khá nặng nề. Lúc gặp gió bão, sóng dữ, ông đứng ra trực tiếp chỉ đạo các thành viên trong ban cứu hộ, cứu nạn lẫn nhau. Khi vào nơi trú ẩn, ông chỉ bảo anh em neo tàu sao cho an toàn, góp phần bảo vệ tài sản cho thuyền viên…

“Người ta bảo ông Lới chuyên làm chuyện bao đồng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Làm không lương lá gì nhưng thấy đây là việc có ý nghĩa nên cả nhà cũng ủng hộ ông” – bà Nguyễn Thị Thu, vợ ông Lới tâm sự.

Ông Nguyễn Năng cũng cho biết thêm: “Trước đây chưa có Ban tự quản tàu thuyền, tình trạng ăn cắp tài sản trên thuyền xảy ra liên tục. Có khi khối tài sản bị mất lên tới cả chục triệu đồng. Nhưng từ khi ban được thành lập đến nay, việc mất cắp chấm dứt hẳn. Đó cũng là nhờ có ông Lới thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng lạ mặt tiếp cận tàu”.

Với những nghĩa cử cao đẹp của mình trong việc giúp người, ông Võ Lới đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, trung ương. Đặc biệt, năm 2013, ông được Bộ trưởng Bộ NNPTNN Cao Đức Phát trao bằng khen “Ngư dân tiêu biểu khu vực miền Trung”.

Là một ngư dân giỏi, ông Lới còn thường xuyên tham gia vào những lần cứu hộ cứu nạn tàu bạn trong lúc mưa to gió lớn. Nhớ lại lần cứu tàu Thanh Hóa cách đây 2 năm, ông Lới kể, ngày 7.9.2012, khoảng 8 giờ, khi ấy tàu ông đang cập cảng Cửa Việt thì nhận được điện thoại từ người nhà trên tàu Thanh Hóa báo rằng, tàu Thanh Hóa đang gặp nạn trên đường từ miền Nam ra.

Không một chút đắn đo suy nghĩ, ông lập tức kêu gọi thành viên trong tổ tự quản vội cho tàu ra khơi trong gió bão. Chật vật lái tàu băng qua đêm đen, sóng dữ, mãi gần nửa đêm ông mới tiếp cận được tàu gặp nạn. Lúc này con tàu đã bị ngập nước đến nửa khoang thuyền, máy điện, máy đẩy đều hư hỏng. Sau khi nhanh chóng đưa 6 thuyền viên trên tàu Thanh Hóa qua tàu mình, ông dùng 3 bơm điện, 2 bơm dây nối điện từ tàu mình sang tàu Thanh Hóa để bơm nước ra ngoài.

Sau 40 phút vật lộn với sóng gió, nước trong khoang tàu Thanh Hóa cũng dần cạn và được tàu của ông Lới lai dắt về cảng Cửa Việt. Ngay sau đó 6 thuyền viên gặp nạn được ông gọi bác sĩ đến điều trị. Tàu Thanh Hóa bị hư hại, ông cũng bỏ tiền túi gọi thợ đến sửa, thay mới thiết bị và còn mua sắm đồ ăn thức uống tiễn họ về quê.

Về sau, người nhà 6 thuyền viên gặp nạn tỏ ý muốn đền đáp, mang tiền, quà biếu ông Lới nhưng ông từ chối thẳng thừng. Ông tâm sự: “Mình làm ơn, chỉ mong trời biển trả ơn bằng con cá con tôm cho mình mà thôi”.

Thêm một kỷ niệm cứu hộ tàu thuyền mà ông Lới không thể nào quên. Ấy là ngày 5.9.2012, trước khi tham gia cứu tàu Thanh Hóa 2 ngày, tàu ông Lới đang vào bờ thì nhận được điện thoại báo tàu Quảng Bình bị chết máy ở khu vực giáp ranh giữa Quảng Trị với Quảng Bình.

Dù vô cùng mệt mỏi sau chuyến ra khơi dài ngày nhưng ông Lới vẫn quyết định đổi hướng tàu đi tìm tàu bị nạn. Sau khi lai dắt tàu Quảng Bình về tới cảng Hòn La (Quảng Bình), ông Lới lẳng lặng ra về chứ không một lời đòi hỏi báo đáp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem