Hiểm họa từ đặc quyền, tham vọng quyền lực

Quốc Phong Thứ tư, ngày 26/12/2018 07:34 AM (GMT+7)
Một xã hội muốn vững bền, ổn định thì rất cần và luôn cần làm trong sạch bộ máy, tránh đặc quyền đặc lợi cho riêng mình.
Bình luận 0

Tôi cảm nhận rằng, chúng ta đã may mắn khi sớm nhận ra những sai lầm dẫn tới sụp đổ năm xưa của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Và cũng nhờ thế, đất nước chúng ta mới có sự nghiệp Đổi mới như hôm nay.

Sau hơn 30 năm, Đảng ta càng nhận thức rõ và thấm thía hơn rằng, một trong nhiều nguyên nhân mà ai cũng thấy, đó là đặc quyền đặc lợi chính là thứ đã khiến cho khát vọng quyền lực của con người ta càng trở nên ghê gớm. Chính điều này sẽ trở thành hiểm hoạ to lớn đối với mối an nguy của xã tắc, rất dễ gây sụp đổ cả một chế độ.

Đây cũng chính là điều mà tại nhiều hội nghị trung ương gần đây của Đại hội Đảng nhiệm kỳ 12, Đảng đã cảnh báo và thực tế cũng đã chứng minh những việc Đảng ta đã và đang tiến hành khẩn trương chỉnh đốn, nhất là lúc này đây, khi chúng ta đang rà soát và giới thiệu nguồn cán bộ quy hoạch cấp chiến lược cho nhiệm kỳ Đại hội khoá sau. Như vậy có thể khẳng định là rất tốt và đáng mừng... 

Nếu không có những động thái tích cực từ chính trị ổn định, quyết liệt thanh trừng những phần tử cậy chức cậy quyền làm bậy cho đến kinh tế tăng trưởng cao nhất trong suốt 10 năm gần đây, thì tôi e rằng lúc này thật khó đoán định chế độ chúng ta đang đứng ở khúc ngoặt nào.

img

Nhiều lãnh đạo, quan chức, cả Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương, bị kỷ luật, cách chức, khai trừ Đảng hoặc vướng vòng lao lý. Ảnh: Ngọc Diệp.

Thử điểm lại hiện tượng Liên Xô cũ và các nước Đông Âu dần sụp đổ từ năm 1988 cho đến 1992, chúng ta sẽ thấy việc đó không phải quá bất ngờ, bởi vì cái nhọt bọc bên trong đã ủ cơ man nào mầm hoạ  và đã đến lúc nó tự bục ra. 

Báo Nhân dân năm 2010 từng có bài đăng về sự sụp đổ của Liên Xô cũ, hiểm hoạ từ tầng lớp đặc quyền trong đảng, nói rất cặn kẽ chuyện này. Tôi nghĩ, đó chính là một lời cảnh báo giá trị để đất nước ta, Đảng ta tìm hiểu, tham khảo, tránh được vết xe đổ không đáng có trong giai đoạn sau này. 

Một vị Tổng bí thư như ông Nguyễn Phú Trọng, tôi càng thấm thía để hiểu rằng một người từng có nhiều năm chuyên sâu nghiên cứu về xây dựng Đảng, lại được đào tạo bài bản tại Liên Xô cũ, càng thấu hiểu tường tận chuyện này hơn ai hết. Bởi thế, đã hơn một lần Tổng Bí thư đề cập chuyện quyền lực một khi bị tha hoá rồi sẽ ra sao và khẩn trương thiết lập trật tự là vì thế.

Kể từ sau Đại hội 12, bằng một tinh thần đổi mới (xin tạm gọi là Đổi mới lần 2), Đảng và Chính phủ ta đã và đang có những động thái rất tích cực để vực dậy đất nước vốn có nhiều tiềm năng mà vẫn nghèo khó do nhiều năm kinh tế sa sút, quản lý lỏng lẻo và bị "nhóm lợi ích" lợi dụng vì những cán bộ thoái hoá, luồn sâu leo cao bằng quan hệ chứ không bằng tài năng đích thực và thiếu đi sự rèn luyện về phẩm chất đạo đức. Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng thấp, dự án đầu tư tràn lan, kém hiệu quả và có nguy cơ khó gượng nếu không có giải pháp chấn chỉnh quyết liệt.

Từ khúc cuối của đường hầm, ánh sáng đã dần loé ra và chúng ta đang bước đi với một niềm tin vững chắc hơn, có cơ sở hơn bao giờ hết. Theo tôi, điểm mấu chốt ở  đây chính là niềm tin của dân với Đảng đã được vãn hồi sau nhiều năm bị hoang mang, lo lắng. Nay, bằng những hành động cụ thể, lời nói đã đi đôi với việc làm, chỉ trong một thời gian không lâu, niềm tin  của dân đối với Đảng đã lớn dần lên.

Chưa khi nào trong lịch sử Đảng CSVN, chỉ trong vòng hơn nửa một nhiệm kỳ Đại hội, nhiều quan chức cao cấp trong Đảng, từ Ủy viên Bộ Chính trị đến Ủy viên Trung ương bị cách chức, khai trừ Đảng và vướng vòng lao lý, vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chưa khi nào trong lực lượng vũ trang lại có đến hàng chục tướng lĩnh dính chàm một cách chua xót đến như vậy. Vì thế, những chỉ thị, nghị quyết gần đây của Đảng ta luôn cảnh báo chuyện tham vọng quyền lực trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo cần phải loại trừ ra khỏi bộ máy là rất đúng và vô cùng cần thiết.

Một xã hội muốn vững bền, ổn định, một chế độ muốn trường tồn thì rất cần và luôn cần làm trong sạch bộ máy, tránh đặc quyền đặc lợi cho riêng mình. Từ đó, dân mới tin, mới yêu và bảo vệ mình trong mọi tình huống. Câu chuyện Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) với hàng chục năm để dân đi khiếu kiện dai dẳng nhưng không được ai giải quyết chỉ vì “nhóm lợi ích” thao túng. Chúng ta hãy xem nó như một bài học đắt giá của một dấu hiệu cảnh báo nếu chúng ta muốn đất nước có sự ổn định vững chắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem