Ký ức Tết trong tôi: Chẳng còn Tết xưa...

Ngọc Anh Chủ nhật, ngày 02/02/2020 14:00 PM (GMT+7)
28. Tết sắp đến. Hướng mắt ra đường, tự nhủ lòng mình “Tết sắp đến”. Thật sự nếu không phải trên lịch ghi 28 Tết, tôi cũng không biết.
Bình luận 0

Nhìn ra ngoài đường, dòng người tấp nập, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng chợ búa ồn ào, đột nhiên tôi thấy lòng mình nhộn nhạo. Cái cảm giác khó chịu đến kì lạ, cái cảm giác ngứa ngáy trên cơ thể, bất chợt khiến tôi tự hỏi xuất phát từ đâu. 

Cảm giác đó dâng lên khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, tiếng còi xe, tiếng cãi vã gần như đang chen chúc trong đầu tôi, không thể nào tập trung nổi. Đau đầu, buông bút xuống. Lật xem từ lịch, 2 ngày nữa là 30. Tiếng thở dài cứ thế bất chọt bật ra. Tôi nhìn xung quanh, Tết đây ư? 

Con người ta tự bao giờ xem Tết trở nên nhạt nhòa như vậy. Nhận ra Tết, cảm giác lo sợ dâng lên, cảm giác ấy cứ lấp đầy. Tự hỏi lòng mình điều gì khiến tôi lo sợ. Có lẽ là vì Tết giờ khác rồi, Tết nhưng không còn là Tết, chỉ còn là cái tên gọi mà thôi. Tết bây giờ liệu là điều gì trong lòng những con người hiện nay?

À, với Mẹ tôi, Tết có lẽ là dịp tốn tiền. Những lời than vãn về việc giá cả đắt đỏ, về việc phải sắm sửa, về việc mất tiền lì xì. Tết đến mang theo cả những tiếng thở dài về tiền nong.

À, với Bố tôi, Tết là dịp ăn nhậu. Là dịp phải chúc hết người này đến người kia. Là dịp mệt mỏi. Tết về mang theo tiếng rượu bia và ồn ào.

À, với Chị tôi, Tết là dịp kiếm tiền. Là dịp tranh thủ có người cần học Ielts cấp tốc, đổi lại là một cọc tiền. Là dịp về nhà nhưng phải trốn đi liên tục vì sợ phải tiếp khách.

À, với tôi thì là gì? Tôi cũng không biết. Tết nhạt nhòa đi cả rồi, mờ dần trong kí ức của tôi. Một sinh viên đại học, Tết với tôi là dịp nằm dài ở nhà, chơi game, bấm điện thoại và hết. Nhạt nhẽo và buồn tẻ.

Tết ngày nay như kết quả của sự chuyển biến xã hội. Con người ta không mang trong mình không khí Tết. Tết giờ đây là gánh nặng. Tết giờ đây là sự âu lo. 

img

Ảnh minh họa.

Tết là dịp để những người bán hàng đôn giá, là dịp kiếm tiền. Họ xem Tết như một ngày lễ giúp họ vác về bộn tiền. Tôi còn nhớ Mẹ tôi đã nói về một cô bán hàng thế này: “Ôi dào, cái con lùn ngoài chợ tham thế, bán đến 29 mới nghỉ, cả nhà đóng cửa ngủ, rồi mùng 1 lại mở ra bán, nó phải kiếm bội tiền vào dịp tết này”. Đột nhiên tôi thấy lồng ngực khó chịu, Tết từ bao giờ trở thành như vậy, họ mặc kệ, trong tâm tư chỉ còn nhủ “kiếm tiền cái đã”.

Sẽ chẳng nói đâu xa, gia đình tôi xem Tết là dịp thở dài. Mẹ tôi quay cuồng trong những nghi lễ, lễ thức. Nào là cúng kiếng, nào là lì xì, chúc tết. Mệt mỏi đến kì lạ. Bố mẹ tôi chán nản, lựa những đêm gần sát Tết để mua mai, quất cho rẻ. Tiếng thở dài vẫn đâu đó. Bố mẹ tôi sắm tết sao cho hoành tráng, sao cho bằng bạn bằng bè, bằng hàng xóm. Mà nào riêng bố mẹ tôi, các nhà hàng xóm bên cạnh cũng xem Tết là cái dịp để khoe của. Những cây mai chục triệu được mang về trưng nhà, những tiếng khoe khoang, lời dè bỉu nhà này thiếu cái này, nhà kia sĩ diện cứ thế lặng thầm tiếp diễn trong từng nhà. Những lễ tiết không thể thiếu trở thành gánh nặng vô hình. Nào là phải có con gà, phải có bánh chưng. Những món ăn tết vẫn cứ chồng chất trong tủ lạnh, hương vị Tết hóa ra là nằm trong tủ lạnh. Ít nhất chỉ khi mở tủ lạnh ra, nó như một lời nhắc với tôi rằng “À đang là tết đấy”.

Tết là dịp học sinh nghỉ dài, là dịp của chơi điện tử, là dịp bấm điện thoại. Chưa bao giờ điện thoại trở nên phổ biến đến thế. Con người ta nhìn mặt nhau còn ít hơn nhìn điện thoại. Nếu có đi đâu đó chơi, thì lại là những buổi chụp hình, tự sướng, livestream để nói rằng “Đây tôi đang đi chơi đây, nhà tôi thế này thế kia, giàu có nhường nào”. Tết vẫn diễn ra, là những buổi nhà tôi đóng cửa vì sợ tiếp khách, là những buổi tôi nằm dài ở nhà chờ bạn nào đó rủ đi chơi để có bức hình check-in khoe mình có đi đâu đó.

Có lẽ nếu không vì cuộc thi, Tết trải qua với tôi vẫn thế, dù có chán nản thì Tết vẫn đến. Tết trong kí ức tôi à, chẳng rõ nữa, nhưng nó không thế này. 

Tết ngày xưa….

Tết đến trước hết không phải là trong tờ lịch, mà trong tâm hồn tôi. Cái ồn ào, náo nhiệt không phải từ phố xá mà trong cảm xúc tôi. Nó bồn chồn, ồn ào đến lạ, như thúc giục con người ta đi sắm Tết. Cái cảm giác được nghỉ học, được đi sắm đồ áo mới, được chúc Tết làm tôi háo hức. Những miếng kẹo, miếng mứt khiến Tết trong tôi ngọt ngào đến lạ.

Không phải là gánh nặng, cúng Tết như một lời cầu may. Ngày ấy, với bố mẹ tôi Tết là dịp sum vầy, là dịp để con người ta nghỉ ngơi sau cả năm vất vả. Mùi nhang hương đi chùa ùa vào trong cánh mũi, ngột ngạt nhưng thành tâm. Họ chúc cho một năm sau yên bình, an lành. 

Tết là cảm giác đón pháo bông bên gia đình, tiếng nổ pháo như sự công nhận cho những vất vả của cả một năm dài. Tết đến, dịp để tôi xúng xính trong váy áo, đi khoe với bà con.

Tết những năm ấy là khách khứa tấp nập, người ra vào, họ chúc nhau câu Tết với tấm lòng, họ lì xì để may mắn, họ xem Tết là dịp để nhận điều may và xua đi cái rủi.

Viết đến đây, tôi chợt nhận ra Tết vẫn thế vẫn lễ nghi ấy, nhưng sao lại khác nhỉ. Có lẽ là vì những lễ tiết ấy giờ là bắt buộc là gượng ép.

Sẽ chẳng còn Tết của ngày xưa. Tết đến là phải đến từ tâm hồn mỗi người, phải là cảm xúc háo hức được sắm Tết, là cảm giác vội vàng, bồn chồn để về sum vầy với gia đình, là cảm giác tận hưởng cái không khi xuân sang của đất trời. Nói đúng hơn, Tết của ngày xưa chính là không khí rộn ràng trong lòng mỗi người. Nhà nhà chỉ cần tới 24, 25 là đã đâu đó vội vàng sắm sửa rồi. Hay nói đúng hơn, trong lòng mỗi người, họ cảm nhận được Tết ngay từ trong không khí. Cái se se lạnh, màu hoa mai, hoa đào làm lòng ta vui vẻ đến kì lạ, bất chợt nở nụ cười vì nghĩ rằng Tết sắp đến. 

Vui nhỉ, nhưng đó chỉ là quá khứ, không khí của Tết giờ là sự lo sợ, là sự than vãn.

Sẽ chẳng còn Tết nữa...

Họ và tên: Thân Thị Ngọc Anh

Địa chỉ: 19/5A13, đường N15, kdc Bình Đáng, Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương.

Số điện thoại: 0767 047 342

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem