Ký ức Tết trong tôi: Trên bến, dưới thuyền

Lê Hoài Chung Chủ nhật, ngày 02/02/2020 11:00 AM (GMT+7)
Hẳn không ít người sẽ nghĩ ký ức Tết trong những người con Sài Gòn sẽ là những điều tương tự như ngắm pháo hoa giao thừa hay là đi dạo quanh đường hoa Nguyễn Huệ... Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên tại quận 8, ký ức Tết trong tôi có thêm điều khác lạ: Chợ hoa Bến Bình Đông.
Bình luận 0

Từ nhỏ tôi đã thấy và ghé vào ngôi chợ Tết đặc biệt này, nghe đâu tận từ thời Pháp thuộc duy trì đến bây giờ, nhưng điều này thì tôi chưa chắc. Bến Bình Đông cặp dọc theo kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, là cửa ngõ đường thuỷ của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các thương lái hoa và cây cảnh ở miền Tây trồng hoa xuân cả năm chỉ để đợi Tết về họp chợ, cũng có người chở lên các loại trái cây, nhất là dưa hấu.

Chợ hoa Bến Bình Đông không phải là chợ nổi, họ neo ghe thuyền dọc bến nối nhau nhiều cây số, rồi mang hẳn cây lên vỉa hè ven kênh để bày bán. Các thương lái sẽ đến vào cỡ 1-2 tuần trước giao thừa, ăn ở ngủ nghỉ tại chỗ, bán thâu đêm suốt sáng rồi tan chợ vào tối 29 hoặc sáng 30 Tết để kịp về quê cúng giao thừa và đón xuân.

img

Ảnh minh họa.

Mấy ngày trước Tết hằng năm, con đường này lại tấp nập kẻ bán người mua, có người chở trên xe một cây mai rõ to để về nhà chưng Tết. Hồi trước, vào mỗi dịp này, gia đình tôi đều hoà mình vào dòng người đi mua hoa Tết đó, nhưng mà là tản bộ vào ban đêm cho mát mẻ. Ai ở xa thì đi xe máy, còn mấy người ở sát bên như nhà tôi thì cứ vậy mà đi bộ, tới khi nào mỏi thì vòng về. Còn ban ngày, nhìn từ phía bên kia kênh hay trên cầu bắc ngang, cả con đường phủ lên mấy màu vàng, hồng, đỏ... của hoa xuân, còn con kênh thì hiện lên dãy ghe thuyền chất đầy hoa kiểng.

Phía bên kia kênh là đại lộ Võ Văn Kiệt sau này, trở thành một trong những tuyến đại lộ huyết mạch của thành phố, vì thế mà Bến Bình Đông cũng trở thành “mặt tiền”. Từ sau khi đại lộ đưa vào hoạt động thì hai bên bờ kênh được lắp những hàng rào thép cao ngang vai để đảm bảo an toàn và thẩm mĩ. Lần đầu thấy những thanh rào đó, tôi đã thốt lên trong đầu: “Chà, vậy thì đến Tết sao mà người ta khuân mấy chậu mai khổng lồ lên bờ?”. Vậy mà một sáng cận Tết năm đó, bước ra đường tôi vẫn thấy những sạp cây trên vỉa hè, cho đến tận bây giờ vẫn chưa nghĩ ra họ mang cây qua bằng cách nào. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc chợ hoa Bến Bình Đông vẫn còn.

Mấy năm gần đây, thành phố và địa phương rất chăm chút cho chợ hoa đặc biệt này. Có hôm đi học về thấy dọc mấy cây số vỉa hè gắn mấy thanh sắt là lạ, ra là để thương lái nối dây buộc ghe thuyền thay cho neo hay buộc vào hàng rào. Dọc vỉa hè, người ta dựng lên mấy cọc gỗ rồi mắc đường dây điện chạy suốt tuyến để bà con buôn bán có điện mà thắp đèn bán hoa đêm. Có đoạn người ta còn mắc cả dây đèn màu trên một cái cây lớn cho bắt mắt.

Thương lái hẳn là có người đêm sẽ ngủ trên ghe, nhưng vẫn có người trên bờ canh giữ cây và tiện buôn bán. Khi trước, mỗi mùa chợ hoa, tôi với mấy đứa bạn sống ở quận khác thường hẹn nhau 4 hay 5 giờ sáng gì đó, xách xe chạy dọc Bến Bình Đông để xem khung cảnh chợ vào sáng sớm. Những người bán dù là thời điểm nào trong ngày đều sẵn sàng bán cây cho khách, vì vậy đa số họ vẫn thức vào tầm giờ này.

Người ta hay ví Sài Gòn là thành phố không ngủ, phải chăng vì vậy mà những người con đất khách quê người khi đặt chân lên đây cũng thức? Tầm giờ này, người Sài Gòn cũng bắt đầu dọn hàng quán chuẩn bị bán đầu ngày mới, có người thì tập thể dục, cũng có vài người thì ngồi cà phê trò chuyện. Sống ở Sài Gòn lâu năm cũng chẳng hay biết người ta vẫn có những sinh hoạt kiểu thế vào sáng rất sớm. Cứ vậy, đầu ngày của hai phía Sài Gòn và chợ hoa hoà quyện vào nhau, một cách âm thầm và ít ai mà biết được. Chúng tôi may mắn nằm trong số ít đó.

Mấy năm gần đây, nhà tôi không còn thói quen hoà vào dòng người mua hoa, tôi và đám bạn cũng chẳng còn dậy sớm xách xe ra chợ như hồi trước nữa. Thế nhưng, mỗi năm đi ngang qua cung đường này, tôi lại bất giác gợi nhớ về những ký ức xưa cũ. Chợ hoa sau này được địa phương đặt thêm tên là “Trên bến, dưới thuyền”, nhưng tôi và nhiều người vẫn quen gọi là chợ hoa Bến Bình Đông. Bởi lẽ đó, năm nào cũng vậy, hễ cứ đứng từ trên bến thấy thuyền đông hơn thường bữa, thì tôi biết là Tết đã về rồi.

Họ tên: Lê Hoài Chung

Địa chỉ: Phường 14, Quận 8, TP.HCM

Số điện thoại: 0349970950

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem