Ngôi đền cổ có thời Lý ở Hà Tĩnh cho là linh thiêng, thờ con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ
Ngôi đền cổ có thời Lý ở Hà Tĩnh linh thiêng thờ con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ
Tập Thoả
Thứ bảy, ngày 03/06/2023 13:53 PM (GMT+7)
Đền Nen (hay gọi là đền Cả, đền Tam Tòa Đại Vương) tọa lạc tại xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) xây dựng vào thời Lý thờ Lý Nhật Quang làm Thành hoàng (Lý Nhật Quang con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ). Ngôi đền có kiến trúc độc đáo, linh thiêng và nơi chốn sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng.
Clip: Đền Nen thờ ông Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Lý Nhật Quang giúp dân Nghệ An no ấm, yên vui
Đền Nen (hay gọi là đền Cả, đền Tam Tòa Đại Vương) có diện tích hơn 11.000 m2 tại làng Chi Phan, Bạng Châu xã, Thạch Hà phủ, Phủ Hà Hoa xưa (nay là xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Đền Nen thờ ông Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Lý Nhật Quang được người đời đánh giá là người thông minh, tinh thông địa lý, đức trọng, tài cao, văn võ song toàn, giàu lòng yêu nước, thương dân.
Năm 1039, Lý Nhật Quang được nhà vua Lý Thái Tông (anh trai cả của Lý Nhật Quang) cử vào trông coi tô thuế tại vùng đất Hoan Châu (tức là Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay).
Năm 1041, ông được bổ nhiệm làm tri châu Nghệ An (tức là Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) với hiệu: Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang. Đây là điểm mốc quan trọng khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ Tĩnh. Ông đã có công rất lớn trong việc tham gia đánh Chiêm Thành, mở mang bờ cõi, cho nên được vua Lý tin dùng, nhân dân yêu quý, sùng bái.
Năm 1044, vua Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang thành Uy Minh Vương và ban cho Ông quyền "Tiết Việt ". Tức là có quyền thay nhà Vua định đoạt mọi chuyện chính sự tại vùng đất xứ Nghệ.
Với trọng trách được giao đứng đầu là Tri nhậm Nghệ An. Lý Nhật Quang đã dùng chính sách khoan dung, giản dị, gần gủi nhân dân, minh bạch các chế độ tô thuế, lấy việc dân no ấm yên vui hạnh phúc làm gốc của việc cai trị.
Để phát triển kinh tế, ông cho dân đến từ các vùng đất khác về khai khẩn đất hoang, lập nhiều làng ấp mới. Tiếp nhận tù binh chiến tranh để lập nhiều làng ấp ở vùng rừng núi, để họ được sinh sống bình thường.
Ngoài ra, Lý Nhật Quang tiến hành hàng loạt biện pháp khuyến nông như dạy cho dân trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, mở rộng chăn nuôi, phát triển nhiều ngành nghề, thủ công, cho xây nhiều công trình thủy lợi, khai thông luồng lạch, đào sông để phát triển đường thủy, mở nhiều đường bộ giao thương với các vùng.
Tương truyền, ngài đã cho mở đường thượng đạo sang biên giới Việt- Lào để dễ dàng giao thương, học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, ông cho phát triển các ngành khai thác, luyện kim, rèn sắt, đóng thuyền... nhiều làng nghề từ giáp Thanh Hóa vào đến Kỳ Anh.
Lý Nhật Quang đã kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, quốc phòng bằng việc thời bình thì sản xuất nông cụ, thời chiến thì sản xuất vũ khí. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Lý Nhật Quang càng chăm lo đến sự nghiệp giáo dục văn hóa, Ngài cho mở nhiều trường học, xây dựng nhiều Đền, Chùa.
Về quân sự, Lý Nhật Quang cho xây dựng đội quân theo hướng "Ngụ binh ư nông" lúc bình thường thì sản xuất làm ăn, lúc chiến tranh thì tham gia chiến đấu, bảo vệ bờ cõi, trật tự an ninh tổ quốc, xây dựng căn cứ thủy quân ở vùng biển, canh giữ một vùng biển rộng lớn, ngăn chặn các cuộc xâm lấn của quân Chiêm Thành.
Bên cạnh đội quân chủ lực, ông còn xây dựng các đội dân binh để bảo vệ trật tự, trị an ở làng xã. Dưới thời Lý Nhật Quang, Triều đình không phải đưa quân trung ương vào đồn trú, mà lực lượng tại chỗ đủ sức đảm bảo xây dựng biên cương xứ Nghệ thành "Thành đồng Vách sắt".
Có thể nói, suốt 16 năm trị nhậm ở Nghệ Tĩnh, Lý Nhật Quang đã có công rất lớn trong việc khai dân lập ấp, mở mang, giữ yên bờ cõi, phát triển kinh tế, củng cố, xây dựng Nghệ Tĩnh trở thành căn cứ địa then chốt, một pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế và chỗ dựa vững chắc không chỉ đối với nhà Lý mà cả triều Trần, Lê, Nguyễn sau này.
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được các nhà sử học đề cao, được xếp đầu trong chín vị danh nhân của nước Đại Việt. Ông được đánh giá là Một Đại Phúc Thần cải châu trung thực, liêm khiết.
Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang quy hóa và hiển Thánh chân núi Quả Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Sau khi ông mất, ước tính nhân dân trong vùng đã lập hơn 50 đền thờ tại các địa phương để tưởng nhớ công lao to lớn của ngài.
Kiểu kiến trúc độc đáo của ngôi đền cổ
Đền Nen là một trong 4 ngôi đền cổ, đẹp nhất của vùng đất Nghệ - Tĩnh. Theo quan điểm của người xưa nó được xếp trong "Tứ linh từ" (4 ngôi đền có tiếng là linh thiêng) của vùng đất An Tĩnh xưa nay thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Một vế đối trước cổng nhà trung điện cũng giúp chúng ta thấy được một ngôi đền cổ có giá trị của vùng đất Châu Hoan, Châu Lĩnh: "Hương lưu châu Lĩnh nhất linh từ".
Hiện nay qua khảo sát, nghiên cứu thực địa tại địa phương, hiện trạng di tích rất tiếc là những cứ liệu như: Thư tịch, sắc phong, bia ký.. đã bị mất mát, thất lạc qua năm tháng. Do đó việc xác định chính xác thời gian xây dựng ngôi đền và sự tích nhân vật được thờ tại đền Nen là rất khó.
Để có được một cứ liệu chính xác, các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Hà Tĩnh dựa vào nguồn tư liệu như cuốn "Hà Tĩnh địa dư" của Trần Kinh và cuốn "An Tỉnh cổ lục" của H.LeB'reton. Đồng thời qua các bản dịch các câu đối, các bản chữ Hán được khắc trên xà hạ nhà hạ điện, trung điện, qua truyền ngôn của nhân dân địa phương. Di tích đền Nen có thể được xây dựng vào thời Lý, được tu tạo vào năm 1724 thời kỳ hậu Lê. Đền thờ Lý Nhật Quang làm Thành hoàng.
Đền Nen được thiết kế trên một mặt bằng theo hình chữ nhật với tổng thể các bộ phận kiến trúc đăng đối hài hòa, theo một trục chính (hay còn gọi là trục thần đạo) ở giữa, các bộ phận kiến trúc chủ yếu của di tích.
Các bộ phận kiến trúc của tổng thể khu di tích đền Nen đều được sắp xếp bố cục tổng thể liên hoàn khép kín bằng một hệ thống tường dắc liên hoàn bao quanh, nó tuân thủ theo một quy tắc chặt chẽ của lối kiến trúc điển hình thời Lê - Nguyễn.
Vào thời Lê, khi mà Nho giáo thịnh hành, trong các quy ước về hình mẫu kiến trúc tôn giáo như Đền, Chùa, Miếu Mạo.... đều phải tuân thủ theo một quy định chặt chẽ. Đó là kiểu thức kiến trúc đăng đối quy tụ vào một tâm điểm trên một bình đồ kiến trúc hình chữ nhật của các bộ phận kiến trúc theo tầng, lớp kéo dài cho ta một cảm giác vừa cổ kính uy nghiêm của một công trình kiến trúc mang đậm màu sắc tâm linh tôn giáo.
Mặc dù tồn tại qua bao thế kỷ, song đền Nen vẫn giữ được các bộ phận kiến trúc nguyên mẫu với các đường nét chạm khắc tinh xảo của những người thợ tài hoaß, những nghệ nhân xưa. Đặc biệt ở di tích đền Nen đề tài được sử dụng nhiều nhất đó là hình tượng con rồng được lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể đó là những bức chạm khắc trên các vì kèo, xà, hạ, cột hay các bức cốn, con kê hoặc được đắp nổi ở mỗi các bộ phận cấu trúc đền Nen, hình tượng con rồng uyển chuyển có hồn trong mỗi bức chạm khắc trên chất liệu đá và gỗ của các nghệ nhân xưa, là biểu tượng của quyền uy và của tâm linh người Việt cổ. Đó chính là đặc điểm nổi bật của kiến trúc di tích đền Nen, xứng đáng là một trong 4 ngôi đền cổ, đẹp và nổi tiếng của vùng đất châu Hoan, châu Lĩnh…
Tháng 8/2009, nhờ những giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích đền Nen mang lại, đền Nen được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ông Đặng Hữu Cư - Trưởng ban Lễ nghi đền Nen, cho biết: "Đây là một trong những đền cổ đẹp và linh thiêng nhất của Hà Tĩnh với kiến trúc nghệ thuật được bố trí đăng đối hài hòa qua bàn tay khéo léo của những người thợ xưa. Có rất nhiều câu chuyện, giai thoại về sự linh thiêng của đền Nen.
"Năm 1920, Pháp đóng quân tại Chi Phan, thôn Minh Đình (cách đền Nen 100m), do 1 tên quan người Pháp làm chỉ huy. Trưa ngày 23/4/1927, trong khi trời đang nắng hạn thì bỗng nhiên xuất hiện 1 đám mây đen kỳ lạ kèm theo 1 tiếng sét lớn đánh vào nhà 2 tầng trong khu đóng quân của Pháp khiến 2 vợ chồng tên chỉ huy chết cháy. Từ đó, quân đội Pháp bỏ đóng quân ở gần đền Nen và không bao tên lính Pháp nào dám bén mảng tới"- ông Đặng Hữu Cư, Trưởng ban Lễ nghi đền Nen nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Bá Hạnh - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho hay: "Di tích đền Nen, gắn liền với các danh nhân lịch sử như Mai Hắc Đế, Lý Nhật Quang, Tô Hiến Thành, những người đã có công trong công cuộc đánh giặc giữ nước, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp mở mang bờ cõi vùng biên ải phía nam của nước Đại Việt, được nhân dân thờ phụng làm thành hoàng. Đền thờ cùng các tài liệu hiện vật gốc có giá trị lịch sử được lưu giữ qua bao thế hệ như các công trình kiến trúc bao gồm kiến trúc gỗ, các vật liệu cổ và các họa tiết trang trí điêu khắc trên chất liệu đá, gỗ... câu đối, thần vị, bằng văn tự Hán còn lưu lại, là những nguồn tư liệu hết sức quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về một thời đại, một giai đoạn lịch sử mà các danh nhân lịch sử đã đóng góp cho quê hương đất nước".
"Di tích đền Nen còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có giá trị còn tồn tại cho đến nay ở Hà Tĩnh. Nó thể hiện sự khéo léo tài hoa của các bậc nghệ nhân xưa, những nhà kiến trúc bậc thầy cùng với quần chúng nhân dân đã tạo dựng nên những tác phẩm về hội họa về điều khắc thuộc các chất liệu khác nhau như kiến trúc gỗ, kiến trúc vôi vữa và đặc biệt là sự tài tình của những người thợ thủ công của làng thợ nề nổi tiếng trong vùng - làng thợ Đình Hòe (xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), một làng nghề truyền thống có từ lâu đời ở vùng đất Hà Tĩnh. Cùng với các đường nét trang trí hoa văn sống động mang đậm chất dân gian đã tạo nên đền Nen sự tinh tế về đường nét kiến trúc, sự hài hòa về không gian xây dựng mang đậm tính tâm linh của một công trình kiến trúc tôn giáo" - ông Lê Bá Hạnh - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.