Lên Ma Nới, nghe tiếng đàn Chapi

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 13/02/2024 12:45 PM (GMT+7)
Một ngày đầu tháng 12/2023, chúng tôi tìm đến ngôi nhà sàn của Nghệ nhân Chamaléa Âu (sinh năm 1955, dân tộc Raglai) ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Ông là người hiếm hoi còn chế tác được cây đàn Chapi và cũng là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài hát nổi tiếng khắp nơi “Giấc mơ Chapi”.
Bình luận 0

Trong ký ức của những người lớn tuổi ở Ninh Thuận, mấy chục năm trước Ma Nới là một vùng núi rừng xa xôi, hẻo lánh, nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng và Bình Thuận nên giao thông đi lại trắc trở, khó khăn… Trước những năm 1975, vùng đất này là được mệnh danh là chiến khu anh dũng, kiên trung, bất khuất.

Bây giờ, đi xe máy và ôtô từ TP.Phan Rang – Tháp Chàm trên con đường nhựa rộng lớn xuyên qua núi rừng, khoảng 90 phút sau chúng tôi đã đến trung tâm Ma Nới. Đây là xã miền núi nằm ở phía Nam huyện Ninh Sơn, có nhiều rừng rậm và núi cao. Toàn xã có hơn 1.180 hộ và khoảng 4.700 và nhân khẩu, với hơn 98% là đồng bào Raglai.

Đón chúng tôi, nghệ nhân Chamaléa Âu lấy ra 2 cây đàn Chapi do ông chế tác, từng được ông mang đi biểu diễn nhiều nơi, khoe: "Đây là tài sản quý nhất của tôi".

Lên Ma Nới, nghe tiếng đàn Chapi- Ảnh 1.

Chamaléa Âu với cây đàn do ông chế tác. Ảnh: Bùi Phụ

Lên Ma Nới, nghe tiếng đàn Chapi- Ảnh 2.

Một nhóm bạn trẻ lên Ma Nới tìm hiểu về cây đàn Chapi. T.L

Nghệ nhân Chamaléa Âu hào hứng kể: "Lần gần đây nhất là năm 2019, tôi và nhạc sĩ Trần Tiến gặp nhau tại TP.Phan Rang – Tháp Chàm, ôm nhau mừng vui lắm. Tôi cám ơn ổng, vì nhờ bài "Giấc mơ Chapi" nên tiếng đàn của tôi và giá trị văn hóa của người Raglai được nhiều người biết".

Nhìn cách ông chơi đàn Chapi, chúng tôi thật thán phục vì không ngờ những ngón tay chai sạn, sần sùi của ông lại uyển chuyển, lướt nhẹ nhàng, khoan thai trên từng quãng của dây đàn. Âm thanh từ đàn Chapi phát ra lúc trầm, lúc bổng, lúc du dương, như tiếng tự tình của đôi lứa yêu nhau, như tiếng các loài chim gọi bầy giữa núi rừng Ma Nới…

Cảm xúc dâng trào khi chúng tôi nghe ông một bài hát của người Raglai, vừa chơi đàn Chapi. Tiếng hát của ông lúc cao trào trong như tiếng con chim đang hót líu lo trên núi rừng Ma Nới, lúc trầm sâu xuống tận nỗi buồn như một dòng suối sau nhà ông bị khô nước…

Nghệ nhân Chamaléa Âu tâm sự, người Raglai luôn tin đàn Chapi như một biểu tượng thiêng liêng, tạo nên những khúc ca trầm bổng như tiếng nói, như lời cầu nguyện của bản làng với thần linh. Và âm thanh của đàn cũng như lời tự sự, tình cảm của mình gửi vào núi rừng.

Hơn một giờ chứng kiến ông chế tác đàn Chapi, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự cực nhọc, chăm chú miệt mài của ông với cây đàn. "Bí quyết làm đàn Chapi ở chỗ là dùng cây mác thật nhọn, sắc khoét vào cây tre và lấy vỏ tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn rồi vót mảnh tre rộng bằng đầu ngón tay cái, khoét rãnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mấu bện chặt để giữ căng dây đàn rồi dùng dùi lửa khoét thủng hai mắt tre tạo âm vang cho thân đàn. Sau khi đàn nên hình nên dáng, nghệ nhân phải cân chỉnh cho tiếng đàn có hồn. Khi đánh lên, âm thanh của đàn lúc trầm, lúc bỗng khiến cho người nghe nhớ mãi không quên…" - nghệ nhân Chamaléa Âu nói.

Điều nghệ nhân Chamaléa Âu nhấn mạnh và cho đó là di sản, là linh hồn của người Raglai là tất cả 8 dây trên đàn Chapi có thể xem là đại diện cho một gia đình. Trong đó, hai dây trầm nhất là dây mẹ, rồi đến hai dây cha, dây con lớn và dây con út. Người chơi đàn như ông phải gảy theo thứ tự, dây mẹ gảy đầu tiên, đến dây cha, rồi mới đến dây con, như thứ tự trong gia đình của đồng bào Raglai theo mẫu hệ…

Chia tay chúng tôi, nghệ nhân Chamaléa Âu tiết lộ tin vui là ông đã tìm được truyền nhân để truyền thụ lại toàn bộ những gì ông hiểu biết. Truyền nhân này còn trẻ, đầy nhiệt huyết và cũng là người Raglai ở Ma Nới. "Ngày xưa người Raglai chưa biết chữ viết nên không thể ghi lại, hay thể hiện các giai điệu âm nhạc truyền thống trên giấy được! Chỉ có cha truyền cho con bằng miệng, rồi từ người này sang người khác... Do không có ghi chép, nên việc học và chơi đàn Chapi với giới trẻ sau này ngày càng khó hơn. Những điệu ca truyền thống và tiếng đàn Chapi tuy đơn giản, nhẹ nhàng nhưng là một nét văn hoá lâu đời, là cuộc sống của ông cha ngày xưa để lại nên chúng tôi phải quyết tâm giữa gìn và lưu truyền thế cho thế hệ mai sau" - nghệ nhân Chamaléa Âu tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem