Ngày 18.9, tại Nam Định, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị Phát triển lúa lai giai đoạn 2001-2012 và định hướng giai đoạn 2013-2020. Vấn đề được quan tâm nhất là lúa lai sản xuất trong nước đang tỏ ra “đuối sức” vì phải cạnh tranh gay gắt với các giống lúa lai ngoại nhập (nhất là từ Trung Quốc).
Chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu
Theo ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Việt Nam ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển lúa lai của Trung Quốc từ năm 1991. Diện tích gieo cấy lúa lai thương phẩm tăng liên tục từ 100ha (năm 1991), lên 600.000ha (2003), đến năm 2009 đạt trên 710.000ha và Việt Nam trở thành quốc gia có diện tích lúa lai lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Năm 2011, diện tích lúa lai có giảm nhưng vẫn đạt 595.000ha. So với diện tích lúa cả nước, lúa lai chỉ chiếm 12-15%, song lúa lai đóng vai trò quan trọng ở phía Bắc với diện tích chiếm 32-33% trong vụ đông xuân và khoảng 17-20% trong vụ hè thu, vụ mùa, đặc biệt ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) và Bắc Trung Bộ.
|
Lúa lai sản xuất trong nước khó cạnh tranh với lúa lai ngoại nhập. |
Các tỉnh phía Bắc có diện tích lúa lai lớn trong vụ đông xuân là Thanh Hóa, chiếm 57-60% diện tích; Nghệ An 72-73%, Lào Cai 80%, Tuyên Quang 60-70%, Yên Bái 60-65% và Phú Thọ khoảng 50%. Tổng kết sản xuất nhiều năm cho thấy, năng suất lúa lai cao hơn lúa thuần từ 10-20% trong cùng điều kiện canh tác. Đến nay, đã có 64 giống lúa lai được công nhận chính thức, trong đó có các giống do các đơn vị trong nước chọn tạo: VL20, VL24, TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH7-2, HYT83, HYT100, HYT102, HYT103, HC1...; số còn lại của trên 30 công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là các công ty Trung Quốc, như: Nhị ưu 838, D.ưu 527, Nhị ưu 63, Khải phong số 1, Q. ưu số 1, Thục hưng 6...
Mở rộng diện tích lúa lai
“Trong những năm qua, mặc dù nhiều giống lúa lai trong nước được công nhận, nhưng thực tế đa số không phải là giống chủ lực, chưa cạnh tranh được với giống nhập ngoại về năng suất và độ thuần; diện tích lúa lai đại trà được sản xuất bằng các giống chọn tạo trong nước còn quá ít”- ông Quảng cho biết. Đặc biệt, nhu cầu lượng hạt giống F1 cho sản xuất mỗi năm cần khoảng 15.000-18.000 tấn, tự sản xuất hạt lai trong nước mới đáp ứng được khoảng 20-25%, số còn lại phải nhập về.
Trong giai đoạn 2013-2020, theo ông Lê Quốc Doanh- Cục trưởng Cục Trồng trọt, định hướng của ngành nông nghiệp là tăng tối đa diện tích lúa lai trong vụ đông xuân, mở rộng diện tích lúa lai vụ hè thu ở Bắc Trung Bộ, mùa sớm ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và TDMNPB.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Bộ NNPTNT sẽ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và trang thiết bị cho một số vùng sản xuất hạt lai F1 tập trung tại Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam), Đăk Lăk, Thanh Hoá và nhân dòng bố mẹ tại Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La).
Đối với việc phát triển sản xuất lúa lai thương phẩm, ở phía Bắc, trong vụ xuân mở rộng diện tích sản xuất lúa lai ở các vùng thuận lợi, đặc biệt các tỉnh TDMNPB, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An) và Tây Nguyên bằng các giống có năng suất cao, chất lượng gạo ngon như: TH3-3, TH7-2, Nhị ưu 986, Thục hưng 6, Syn6, Bte-1, Q. ưu 1, Quốc hào 1, Thiên nguyên ưu 9...
Trong vụ hè thu, vụ mùa sẽ tăng diện tích lúa lai 2 dòng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Thanh Hóa, Nghệ An...; đưa giống lúa lai mới kháng bạc lá vào vùng ven biển, tăng diện tích lúa lai ở vụ mùa của các tỉnh miền núi. Các tỉnh phía Nam sử dụng các giống lúa lai phù hợp với điều kiện cụ thể của các tỉnh phía Nam, gắn với kỹ thuật sạ thưa bằng dụng cụ sạ hàng cải tiến để giảm tối đa lượng hạt giống.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.