Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc: Đắm đuối ca trù đến hơi thở cuối...

Thứ tư, ngày 02/04/2014 09:26 AM (GMT+7)
Mấy ngày trước, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã rất xúc động khi chứng kiến hình ảnh một nghệ nhân 85 tuổi trong phút tưởng như sẽ vĩnh biệt cõi đời mà vẫn còn sửa được những câu hát ca trù đằm thắm cho người học trò cưng của mình.
Bình luận 0
Cụ là Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc.

Thăng trầm đời hát

Giờ thì Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đã về nhà, nằm dưỡng bệnh ở thôn Ngãi Cầu, làng An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) sau khi bệnh viện “trả về” vì căn bệnh suy thận cấp độ 2. Chiều 31.3, chúng tôi tìm về thôn Ngãi Cầu thăm cụ, người dân ở đây ai ai cũng biết cụ Chúc hát ca trù giờ đang ốm thập tử nhất sinh. Đến nhà cụ lúc chiều muộn, thấy các cụ trong làng đến chơi rôm rả thăm hỏi ân tình, bên giường cụ thì con cháu đang quây quần chăm sóc.

Ca nương Phạm Thị Huệ ngày nào cũng túc trực bên giường bệnh cụ Chúc.
Ca nương Phạm Thị Huệ ngày nào cũng túc trực bên giường bệnh cụ Chúc.

Trò chuyện với ông Nguyễn Bá Phi - em trai cụ Chúc và qua lời kể của các cụ trong làng, câu chuyện về cụ Chúc – danh ca một thuở từ từ được hé mở. Cụ Chúc sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống ca trù, vì thế ngay từ nhỏ cụ đã được bố mẹ dạy bảo nghiêm khắc và chu đáo về nhịp, về phách. Với tình yêu tha thiết môn nghệ thuật dân gian và tài năng thiên bẩm, năm 12 tuổi Chúc đã bắt đầu tự đi hát.

Toàn quốc kháng chiến, cô Chúc gác lại tiếng ca, nhịp phách để tham gia vào đội văn công tuyên truyền. Bằng lời ca tiếng hát “Ai có bầu nhiệt huyết, thề giết bọn xâm lăng, để cứu lấy hai mươi nhăm triệu đồng bào”… trên loa phóng thanh đặt ở các xe lưu động, cô gái ấy đã đi khắp phố Khâm Thiên, Hàng Bột, Ô Chợ Dừa, Thái Hà, Ngã Tư Sở...

Ca nương Phạm Thị Huệ- người học trò cưng ngày nào cũng kề cận bên giường bệnh của cụ Chúc, tiếp lời: “Những năm 40, cụ là danh ca nổi tiếng của đất kinh kỳ, cụ tự mình đi hát kiếm tiền mua nhà và xe - việc mà ngay cả bây giờ những ca nương như tôi cũng không thể làm nổi”.

Sau năm 1954, khi ca trù bị hiểu lầm, các nhà hát ca trù bị đóng cửa khiến các ca nương, kép đàn phải sống mai danh ẩn tích. Cô Chúc trở về làm ruộng nuôi gia đình. Đến năm 1995, khi ca trù được quan tâm trở lại thì cụ hoạt động trong Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ Ca trù Hà Đông. Năm 2005, cụ Chúc đã được Bộ VHTTDL công nhận là nghệ nhân dân gian. Những năm gần đây cụ Chúc còn được mời làm ban giám khảo cho các cuộc thi ca trù toàn quốc. Và mới đây nhất, năm 2012 cụ đã mang những nhịp, những phách của ca trù đến Hàn Quốc.

Vẫn còn vương tơ

Tuy nhiên điều đáng buồn nhất hiện nay là khi ca trù đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới (năm 2009) thì những nghệ nhân giữ hồn sâu lắng cho ca trù lại vẫn sống một cuộc sống cơ cực, nghèo khổ. Nhìn căn nhà đơn sơ với vỏn vẹn 2 chiếc giường gỗ, những tấm bằng khen được treo ngay ngắn trên tường gạch cũ kỹ, thân hình gầy nhom của cụ Chúc trên giường bệnh, mọi người không khỏi xót lòng.

Bị suy thận độ 2, khi được hỏi chuyện, cụ vẫn tỉnh táo và tuy giọng thều thào khó nghe nhưng trong giọng nói vẫn còn thấy cái chất đằm thắm của ca trù còn nhiều lắm. Ông Phi bùi ngùi: “Cụ quyết tâm chắt chiu gìn giữ ca trù, bệnh tật nhưng cụ vẫn nghe các cháu đàn hát và thật không ngờ cụ vẫn bắt bẻ và phát hiện ra những lỗi sai của các cháu trong từng câu hát, từng chữ luyến láy. Rồi cụ chỉnh sửa những nốt nào lên cao, xuống thấp và cụ còn hát được nữa. Thấy các cháu nối nghề, yêu ca trù, cụ vui lắm”.

"Bệnh tật nhưng cụ vẫn nghe các cháu đàn hát và thật không ngờ cụ vẫn bắt bẻ và phát hiện ra những lỗi sai của các cháu trong từng câu hát, từng chữ luyến láy”.

Ông Nguyễn Bá Phi

Trong số các học trò, có lẽ ca nương Phạm Thị Huệ là người gần gũi và ân cần với cụ Chúc nhất. Chị Huệ không chỉ là người học trò chân truyền mà còn được cụ nhận làm cô con gái út.

Ông Phi chia sẻ: “Xưa, khi mẹ tôi mất, có bà Phượng học trò đến xin khăn và chịu tang thầy như một người con”. Theo ông Phi, “quân sư phụ” là một nét đẹp trong ca trù, người trò có hiếu coi thầy không khác mẹ cha. Mấy hôm nay, hôm nào ca nương Phạm Thị Huệ cũng đi xe máy từ Hà Nội về rồi ở lại thức trắng đêm bên cụ.

Chị Huệ ngồi bên giường, giúp cụ ăn vài miếng dưa hấu, vừa xoa bóp chân tay cụ, chị rơm rớm nước mắt tâm sự: “Cụ không khác gì người mẹ của tôi, đôi khi anh con trai trưởng còn ghen tị với tình cảm của cụ dành cho tôi. Đặc biệt trên giường bệnh mà cụ vẫn đầy lửa với nghề.

Hôm ở Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ có hỏi gia đình là làm tang cho cụ ở bệnh viện hay ở nhà... Lúc đó tôi đã khóc và cất tiếng hát một bài cho cụ nghe, thật không ngờ cụ vẫn chỉnh sửa được cho tôi những chỗ chưa chuẩn. Tôi rất cảm động và nghĩ rằng ngay trong lúc mong manh nhất nhưng cụ vẫn nhiệt huyết và chính sự nhiệt huyết đó sẽ giúp cụ chống lại được tật bệnh”.

Những ngày này, khi biết được tin cụ Chúc ốm nặng, đại diện Sở VHTTDL Hà Nội đã về thăm hỏi và có tặng 10 triệu đồng để cụ chăm lo thuốc thang. Những nghệ nhân ca trù ở khắp nơi cũng tìm về với cụ như cụ Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương hay đại diện của các câu lạc bộ ca trù tận Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội...

Chia tay ngôi nhà ca trù tôi mang theo một nỗi niềm canh cánh của cả ông Phi và chị Huệ: Dù thế nào thì sau này khi cụ mất, gia đình vẫn sẽ xây dựng một nhà lưu niệm để phải giữ bằng được ca trù truyền thồng và cái nghề tổ của gia đình. Nơi đó sẽ trưng bày những hình ảnh về cuộc đời nghệ thuật của cụ Chúc.
Nguyễn Dinh (Nguyễn Dinh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem