Ngọt ngào ký ức tuổi thơ

Thứ ba, ngày 17/06/2014 07:00 AM (GMT+7)
Sau vườn của ông bà nội tôi có một cái ao nhỏ. Vì sợ lũ trẻ con chúng tôi bất cẩn ham chơi mà ngã xuống nên ông bà đã nhờ người đổ đất lấp đầy cái ao. Nền đất ở đây vì thế không cứng như những nơi khác trong vườn, mỗi khi trời mưa xuống đều bị lún một chút nên dù bị cấm, mấy anh chị em chúng tôi vẫn thích trốn người lớn ra mảnh đất con con này chơi.
Bình luận 0
Sát bên dệ ao là mấy cây dừa và cây khế. Muốn hái dừa phải có người lớn trèo lên chứ không thể dùng gậy để chọc hay vin cành lấy quả như với khế. Tuy vậy, thi thoảng vào những buổi sáng sớm, nhất là sau những ngày mưa gió hoặc có bão to, khi chúng tôi ra sau vườn chơi vẫn thường tìm thấy những trái dừa rụng lăn lóc ở một góc nào đó. Vậy là cả lũ rủ nhau khiêng trái dừa lên cái sân to trước nhà, vừa đi vừa la hét rổn rảng để thông báo với những người lớn trong nhà. Tất nhiên, không phải vì trái dừa nặng đến mức sức vóc một đứa trẻ lớp 3, lớp 4 không bê nổi mà vì đứa nào cũng muốn được "góp công” trong việc phát hiện ra thứ quả hấp dẫn này.
Ký ức tuổi thơ luôn đong đầy trong tôi
Ký ức tuổi thơ luôn đong đầy trong tôi

Trong khi ông tôi hoặc một cô chú nào đấy (thường là cô út) dùng chiếc dao to vẫn thường lấy để bổ củi treo ở góc bếp để chặt phăng phần cuống dừa thì lũ trẻ con chúng tôi vội vàng đi tìm cho mình một chiếc thìa. Xong xuôi, tất cả nhanh chóng tập trung quanh ông nội để xem ông chỉ bằng một chiếc đũa đã khéo léo chọc thủng phần vỏ dừa cứng như gỗ. Nước dừa trong vắt chảy ra thành từng dòng tinh khiết, rơi trọn vào chiếc cặp lồng bằng nhôm ông nội đã hứng bên dưới từ bao giờ. Nhưng đây vẫn không phải là phần được chờ đợi nhất.

Ông yêu cầu tất cả chúng tôi đứng lùi lại hết phía sau vì sợ khi bổ dừa có thể văng vào người, nhất là bắn vào mắt gây nguy hiểm. Quả dừa sau khi được tách hết lớp vỏ ngoài nhẵn bóng, phần xơ dừa xù xì, dần lộ ra phần sọ dừa cứng như gỗ. Bổ đôi phần sọ dừa này là có thể nhìn thấy lớp cùi trắng tinh, hấp dẫn vô cùng. Lũ trẻ chúng tôi tay lăm lăm chiếc thìa chỉ chực nhào đến giành phần sọ dừa của mình rồi mặc sức nạo. Nếu hôm đó may mắn nhặt được nhiều thì mỗi đứa chúng tôi được sở hữu riêng một nửa miếng sọ dừa, còn thông thường thì hai đứa cùng nạo chung.

Vì tôi là bé nhất trong đám anh chị em nên lúc nào cũng được ông ưu tiên nhận phần đầu tiên. Dĩ nhiên, bao giờ tôi cũng lựa nửa sọ dừa lớn nhất và rủ anh Lâm, con bác cả tôi, cũng là người anh lớn nhất trong cả bọn chung phần với mình. Lý do là vì sức tôi yếu, nạo dừa chậm hơn những anh chị em khác. Rất có thể khi tôi mới nạo được một miếng, sốt sắng cho vào miệng để cảm nhận vị thơm dịu, bùi bùi của miếng cùi dừa thì đối tác đã có thể nhồm nhoàm nhai đến miếng thứ 3, thứ 4 như ông anh "sumô” nhà bác thứ hai. Ngược lại, anh Lâm dù nạo rất nhanh nhưng bao giờ cũng chỉ ăn một chút còn để dành cho tôi. Có lần tôi thắc mắc thì anh bảo, người lớn không bao giờ tranh với trẻ con (!), nhất là tranh ăn. Vì vậy, tôi cùng một đội với anh thì vô cùng yên tâm...

Năm tháng qua đi, chúng tôi dần lớn hơn và cây dừa hình như cũng cao hơn, bệ vệ hơn. Nhưng mặc cho trái dừa rụng đầy gốc, cô út gọi điện nói giọng đầy ngậm ngùi nhưng chúng tôi cũng chẳng thể về quê vì còn đang quay như chong chóng với lịch học thêm. Duy nhất có dịp tết, mấy anh em mới có dịp tề tựu đông đủ nơi quê nhà nhưng đã qua rồi cái thời lấm lem bùn đất. Ai cũng quần áo mới và nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân nên chẳng còn tâm trí đâu nghĩ đến thứ quả quê giờ vẫn bán nhan nhản ở phố thị.

Không còn cái háo hức con trẻ khi tay cầm thìa, chờ đến lượt ông nội gật đầu cho phép chọn phần gáo dừa của mình. Mặc sức nạo vét rồi nhấm nháp từng miếng cùi dừa thơm ngậy, vừa có độ mềm dẻo của cùi dừa non mà vẫn sần sật, hấp dẫn. Khi ấy, hình như chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng.

(Theo ĐĐK)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem