Quảng Bình: Bị cưỡng chế, cảng lậu vẫn ngang nhiên hoạt động?

Nhóm PV miền Trung Thứ ba, ngày 01/08/2017 10:44 AM (GMT+7)
Sau 3 tháng, mặc dù đã bị cưỡng chế nhưng “cảng lậu” của ông Tưởng Văn Thịnh (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) vẫn tiếp tục tái hoạt động buôn bán hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá…?
Bình luận 0

Cưỡng chế… trên giấy?

Sau loạt bài trên Báo Dân Việt/NTNN từ tháng 3 về “cảng lậu” tại Khu kinh tế Hòn La (Quảng Trạch, Quảng Bình), chính quyền địa phương và BQL KKT cảng Hòn La đã ra quyết định cưỡng chế, tháo dỡ hoàn toàn cảng trái phép của ông Tưởng Văn Thịnh (Thọ Sơn, Quảng Đông), việc tháo dỡ kể từ ngày có QĐ (757/QĐ-CC ngày 4.4.2017) sau 30 ngày phải hoàn tất. Ông Thịnh phải hoàn trả mặt bằng cho chính quyền, ngành chức năng quản lý.

img

“Cảng lậu” trước khi cưỡng chế. P.V

Mặc dù vậy, diễn biến thực tế tại khu vực Hòn La lại trái ngược hoàn toàn với những gì mà chính quyền thông tin cho báo chí hay biên bản hiện trạng sau tháo dỡ công trình vi phạm.

Có mặt tại khu vực “cảng lậu” tại Hòn La vào cuối tháng 7, ghi nhận của PV Dân Việt là mọi thứ gần như không khác so với hiện trạng khi chưa cưỡng chế ngoài việc đường cảng bị múc sạt lở một phần. Chỉ có ta luy chắn đường được xây lên và một ít đất đá ngay giữa cầu cảng bị móc đi.

Theo ghi nhận trong thời gian qua, ông Tưởng Văn Thịnh vẫn trực tiếp tới cảng để chỉ đạo tàu thuyền neo đậu, thu mua hải sản, bơm dầu… Hiện tại, hàng ngày tàu ngư dân vẫn ra vào, cập “cảng lậu” mặc dù con đường ra cảng bị múc sạt lở.

Ngư dân Nguyễn P.S (tàu NA90..., xin được giấu tên) cho biết, tàu ông vẫn cập bến cảng của ông Thịnh để mua bán hải sản và bơm dầu như thời gian trước cưỡng chế.

"Mặc dù đoạn đường ra cảng bị tháo dỡ nhưng thay vì xe tải nhỏ ra cầu cảng như trước, bên mua (tức bên phía ông Tưởng Văn Thịnh - PV) cho người bốc vác, vận chuyển vào".

Nhiều ngư dân của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh phía Nam miền Trung cũng xác nhận, tàu họ vẫn ra vào mua bán hải sản, bơm dầu tại "cảng lậu" bình thường. Các tàu bơm dầu (giấu tên) cũng cho hay, họ thực hiện bơm dầu cho tàu ngư dân ra vào ngay tại cảng đã bị cưỡng chế.

img

Vẫn có thể hoạt động sau khi cưỡng chế. P.V

Theo QĐ cưỡng chế ngày 4.4, biện pháp cưỡng chế là phá dỡ cảng cá trái phép ở khu vực Hòn La, thời hạn 30 ngày. Đi kèm với QĐ này là một kế hoạch rất chi tiết với sự tham gia đầy đủ của các ban ngành địa phương, công an, biên phòng, hải quan… dưới sự chỉ đạo của tỉnh Quảng Bình

Tại biên bản ngày 13.4.2017, với sự tham gia đầy đủ của các ban ngành, địa phương… ghi rõ: Gia đình ông Tưởng Văn Thịnh tự giác tháo dỡ, di dời toàn bộ lán trại ra khỏi khu vực cảng xây dựng trái phép; đào xúc và bốc vận chuyển đi khỏi toàn bộ đất đá phong hóa dùng để tạo lập công trình; trả lại mặt bằng cảng biển cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Biên bản trên so với thực tế hoàn toàn trái ngược, bởi “cảng lậu” vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật. “Cảng lậu” tồn tại 3 năm nay, bất chấp chính quyền nhiều lần xử phạt, chỉ đến khi Dân Việt và các báo vào cuộc phản ảnh mới bị cưỡng chế.

img

Thực hiện việc mua bán hải sản. P.V

Trong ngày thực hiện cưỡng chế, ông Thịnh cùng nhiều người khác tiếp tục chống đối, ném cá vào cán bộ… buộc công an phải dùng biện pháp mạnh. Nhưng biên bản thể hiện rõông Tưởng Văn Thịnh “tự giác tháo dỡ”(?)

Cho làm lại "cảng lậu"?

Ông Tưởng Văn Thịnh không những ngang nhiên tái hoạt động sau khi bị cưỡng chế mà tiếp tục được ngành chức năng tại Quảng Bình  xem xét cho xây dựng cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại Hòn La.

img

Tàu thuyền neo đậu. P.V

Cụ thể, ngày sau khi bị cưỡng chế, ông Thịnh lập Cty TNHH Phước Thịnh (17.4.2017) để nộp đơn xin đầu tư cảng biển tại Hòn La, đi kèm với đề nghị quy hoạch xây dựng bến dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Quảng Đông (cùng ngày 17.4.2017).

Trao đổi với Dân Việt, ngày 31.7 - ông Phan Trung Thành – Phó Phó trưởng BQL KKT tỉnh Quảng Bình, kiêm trưởng VP đại diện tại Hòn La khẳng định không hề có chuyện ông Tưởng Văn Thịnh hoạt động tại khu vực cảng đã bị cưỡng chế. “Chúng tôi kiểm tra thường xuyên nhưng không có chuyện đó” – ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành giải thích thêm sau bão số 2, ông Tưởng Văn Thịnh xin làm lại đường ra cảng để tàu neo đậu, trú tránh tại khu vực cảng này để thực hiện trục vớt tàu chìm. “Sẽ kiểm tra lại, nếu ông Thịnh tái hoạt động sẽ xử lý nghiêm” – ông Thành khẳng định.

Dân Việt sẽ tiếp tục phản ánh sự việc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem