Tân Liên còn vang tiếng pháo đất

Vũ Thị Hải - Nguyễn Đại Thứ ba, ngày 13/02/2024 14:15 PM (GMT+7)
Ở Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) - xã nằm ven sông Thái Bình, đến giờ vẫn vang lên tiếng pháo đất. Trò chơi dân gian pháo đất không chỉ là niềm đam mê của mỗi người dân mà còn là truyền thống văn hóa gắn với tinh thần thượng võ của vùng quê này.
Bình luận 0

Về thôn Tiền Hải, xã Tân Liên cuối tháng 10 năm Quý Mão, đến nhà cụ Nguyễn Văn Yến - một người cao tuổi và là trưởng họ Nguyễn (1 trong 8 dòng họ ở thôn Tiền Hải), thấy tấp nập người vào ra. Đó là các con cháu của cụ từ khắp nơi trở về làng để tham gia hội thi pháo đất vào ngày hôm sau.

Hôm nay, theo truyền thống địa phương, cũng là ngày mà dài pháo (các đội chơi của các dòng họ) mời 1 cụ già làm lễ cáo yết với Thành Hoàng làng để cầu cho cuộc chơi hanh thông. Lễ vật thường là hương hoa và không quên một nắm đất pháo để kính cáo với bề trên. Với các gia đình, dòng họ thì đây cũng là ngày "áp rạp", con cháu tụ tập đông đủ để bàn bạc phân công nhau xem ai sẽ là pháo thủ của cuộc thi, ai sẽ thi trước, ai thi sau, làm thế nào để giành chiến thắng…

Tân Liên còn vang tiếng pháo đất- Ảnh 1.

Tân Liên còn vang tiếng pháo đất- Ảnh 2.

Đo dây pháo đất. N.Đ

Cụ Yến hồ hởi tiếp chúng tôi trong lúc anh con trai cả cẩn thận kiểm tra lại các khối đất sét mới được chở về để chuẩn bị cho các thành viên trong họ chiều nay sẽ nặn pháo và đánh thử. Cụ Yến kể, trò chơi pháo đất có từ lâu đời, từ bao giờ thì cụ không nhớ, chỉ biết rằng, khi cụ còn bé đã thấy dân làng chơi pháo đất và trò chơi đó được lưu truyền đến tận ngày nay.

Theo cụ Yến, tuy pháo đất là trò chơi khá phổ biến, nhìn bề ngoài thì ai cũng có thể chơi được nếu có sức khỏe, nhưng để thắng cuộc không những phụ thuộc vào cách chơi, kỹ thuật điêu luyện của từng người mà còn phụ thuộc vào sự chung sức, chung lòng của toàn đội. Đó cũng chính là ý nghĩa sâu sắc của trò chơi pháo đất. Cụ Yến cho hay, đất làm pháo phải được lấy từ đáy sông Cồn Mục hoặc ở tầm sâu trên đồng ruộng. Đó phải là những tảng nguyên khối, có độ dẻo, độ kết dính tốt, không bị pha cát, không có tạp chất. Đất mang về được úp lên tường cho khô bớt, rồi được thái thành từng mảnh mỏng để làm sạch đất, rồi nhào, nặn cho thật nhuyễn, thật mịn.

Chúng tôi có mặt ở nhà thờ dòng họ Nguyễn (thôn Tiền Hải) để chứng kiến công đoạn làm pháo. Pháo được nặn hình e líp dài từ 70 đến hơn 1m, rộng khoảng 40 - 60cm. Có quả pháo nặng 30kg, có quả nặng tới 40kg hoặc hơn nữa tuỳ theo sức lực và sự khéo léo của người chơi.

Pháo đất được nhào nặn hoàn toàn bằng sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ. Cái tài hoa của đôi bàn tay nặn pháo có lẽ thể hiện lòng yêu thương đất đai của người làm pháo khi họ có thể phát hiện ra độ dày, mỏng khác nhau của manh pháo dù chỉ một vài li. Mỗi quả pháo làm xong nhìn như một tác phẩm nghệ thuật, thon thả, đều đặn, quanh giềng in những dấu vân tay như những hoa văn...

Ông Bùi Văn Thiềm - Trưởng ban Văn hóa xã Tân Liên cho biết, hội thi pháo đất ở vùng quê này vẫn giữ được nét truyền thống được lưu truyền từ xa xưa. Thường thì mỗi xóm hoặc mỗi làng, mỗi dòng họ 1 dài pháo.

Hào hứng và hồi hộp nhất là lúc chơi pháo. Trong không khí rộn ràng, thôi thúc của tiếng trống ngũ liên, 3-4 người nâng pháo lên tay cho người chơi. Việc nâng lên phải khéo léo sao cho pháo không bị rã, bị lệch. Khi pháo đã nằm gọn trên tay pháo thủ, mọi người lui ra, đó là lúc pháo thủ phải tự mình dùng toàn thân đỡ pháo và bằng sự khéo léo của đôi tay, gieo cho pháo tiếp đất thật cân bằng, cùng với tiếng nổ là giềng pháo tung ra. Mỗi pháo thủ trong cuộc chơi phải tung 3 pháo (gọi là tung tiên, tung nhì, tung ba) và úp 3 pháo (gọi là úp tiên, úp nhì, úp ba). Mỗi lần tung hoặc úp đều dùng trượng để đo, ai có giềng pháo ra dài nhất sẽ được thưởng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem