Thiếu trầm trọng giáo viên dạy nghề

Chủ nhật, ngày 18/07/2010 03:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho 1 triệu lao động hàng năm theo mục tiêu của Quyết định 1956, cần một lượng lớn giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên, hiện số lượng giáo viên của các trung tâm dạy nghề đang thiếu trầm trọng.
Bình luận 0
 img
Giáo viên hướng dẫn nông dân cách trồng rau an toàn.

Vượt khó tổ chức lớp

Ông Phạm Văn Thuân - Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: "Hiện nhiều nông dân có nhu cầu học các nghề liên quan đến xây dựng nhưng trung tâm không thể mở lớp vì thiếu giáo viên chuyên trách".

Cũng theo ông Thuân, rất nhiều nghề khi tổ chức lớp cho nông dân Trung tâm phải sang các tỉnh khác liên hệ mời giáo viên về dạy, như nghề mây tre đan, cắt may thổ cẩm... Vì vậy chi phí mở lớp đào tạo các nghề cũng theo đó tăng lên rất nhiều.

Anh Phạm Ngọc Tuyến - Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân Hải Dương tâm sự: "Hiện nay, nhu cầu học nghề của nông dân đang là rất lớn. Trong khi đó, điều kiện kinh tế không cho phép các Trung tâm dạy nghề tuyển dụng thêm nhiều giáo viên nên tình trạng thiếu giáo viên ngày càng phổ biến".

Cũng theo anh Tuyến, hiện trung tâm có 25 giáo viên dạy nghề, trong đó chỉ có 12 giáo viên thuộc biên chế trung tâm, còn lại là cộng tác viên. Với số lượng giáo viên như hiện nay, Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân Hải Dương hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu học của nông dân. Tuy nhiên, lực lượng cộng tác viên không thuộc biên chế trung tâm thường đi dạy ở nhiều nơi nên trung tâm gặp không ít khó khăn trong việc điều động giáo viên tham gia giảng dạy.

Từng bước khắc phục

Ông Trần Văn Lịch - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Tổng cục Dạy nghề cho biết, hiện Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức đào tạo thí điểm 156 giáo viên cho các Trung tâm dạy nghề và người dạy nghề thuộc 14 tỉnh và Tổng công ty Thuốc lá nhằm hoàn thiện chương trình nghiệp vụ sư phạm theo năng lực thực hiện; tổ chức 7 khóa giáo viên hạt nhân, đào tạo được hơn 120 người là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy nghề. Các giáo viên này là lực lượng nòng cốt để tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy cho giáo viên các Trung tâm dạy nghề và người dạy nghề thuộc các địa phương trong nước phục vụ nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn.

Ông Lịch cho biết: "Đến năm 2015, toàn bộ hệ thống dạy nghề sẽ thiếu 15.000 giáo viên". Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Dạy nghề đã có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho các học sinh, sinh viên cao đẳng nghề, Trung cấp nghề ra trường năm 2010 và các khóa tiếp theo để tạo nguồn giáo viên cho các trung tâm dạy nghề.

Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho những người được huy động tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn là kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, công nhân có tay nghề cao, nông dân giỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem