“Treo” chuồng vì dịch bệnh tàn phá

Thứ tư, ngày 27/03/2013 06:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ chịu tác động bởi yếu tố giá cả thị trường, thời điểm hiện tại người chăn nuôi còn đang khốn khổ với hàng “đống” dịch bệnh.
Bình luận 0

Theo tìm hiểu của NTNN, chỉ trong vòng 1 tháng qua ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), đã có khoảng 60% số hộ nuôi lợn bị mắc dịch lở mồm long móng (LMLM), chỉ tính riêng thôn 7 đã có tới 15 hộ bị dịch bệnh.

Ông Đàm Văn Quang - chủ hộ nuôi lợn ở đây rầu rĩ: “Khổ lắm anh ạ, tôi vừa nuôi được lứa lợn mới sau tết, cứ tưởng tháng 4 tới sẽ được xuất chuồng, nhưng đùng một cái cả đàn lăn ra ốm, giờ đành phải bán cho thương lái với giá chỉ còn một nửa”. Nhà ông Quang có 40 con lợn, thì đã có tới hơn 20 con bị dịch.

img
Hoạt động chăn nuôi của gia đình anh Phạm Tiến Dũng (xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) đang gặp nhiều khó khăn. Xuân Thông

Ông Lê Quý Đôn - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết: “Hiện cũng có một vài hộ chăn nuôi nhỏ bị dịch bệnh khiến một vài con lợn chết, nhưng họ không khai báo mà tự ý bán đi nên chúng tôi cũng không nắm được. Theo tôi được biết, chính sách hỗ trợ cho lợn bị dịch chỉ có 100.000 đồng/1 con lợn. Cái này tôi không rõ lắm, phải hỏi lại cán bộ thú y”.

Theo những người chăn nuôi tại Hưng Yên, hiện giá thịt lợn (móc hàm) sau tết đã giảm xuống đáng kể, hiện thương lái đang mua với giá 54.000-55.000 đồng/kg. Cũng vì thế, nhiều hộ chăn nuôi giờ đã trở thành con nợ. Căn nhà của gia đình ông Nhuận ở xã Xuân Quan ban ngày thường xuyên đóng cửa im lìm nhưng hàng xóm cho biết, thi thoảng vẫn thấy đại lý cám tìm đến đòi nợ.

Từ một hộ gia đình chăn nuôi lợn có nhiều kinh nghiệm với số lượng lớn, nhưng vì dịch bệnh và giá cả bấp bênh, ông Nhuận đã bỏ chuồng 3 năm nay nhưng vẫn còn nợ tiền vay lãi ngân hàng, nợ tiền đại lý cám. Ngoài trông chờ vào mấy sào ruộng, bây giờ vợ chồng ông Nhuận chỉ còn biết chạy chợ kiếm tiền để trả nợ dần.

Một gia đình khác là anh Phạm Tiến Dũng - cán bộ xã Xuân Quan tranh thủ cùng gia đình nuôi lợn để tăng gia sản xuất, cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn. “Chỉ trông chờ vào đồng lương eo hẹp ở xã không đủ sống nên tôi cũng đầu tư làm trang trại, có lúc cao điểm nuôi tới 200 con lợn. Tuy nhiên, càng chăn nuôi nhiều thì càng lỗ, năm 2012 vừa qua, hạch toán cả năm vẫn lỗ 25 triệu đồng, coi như mất luôn khoản lương công chức xã cả năm”- anh Dũng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem