Xem “Bí thư tỉnh ủy”: Nhớ lại và suy ngẫm

Thứ năm, ngày 04/11/2010 09:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chủ đề của tác phẩm điện ảnh này đã đề cập đến những bức xúc của thời cuộc, động chạm đến khát vọng bứt phá, đẩy lùi những lực cản đang níu kéo sự phát triển của đất nước.
Bình luận 0
img
Một cảnh trong phim “Bí thư Tỉnh uỷ”

Cũng phải nói rằng, người không chịu khuất phục trước sức trói buộc của một cơ chế kìm hãm sự phát triển của đất nước đã được minh oan và tấn phong anh hùng, cho nên đạo diễn cũng như tác giả kịch bản khá thoải mái trong sáng tạo nghệ thuật.

Khối trường đoạn phim phơi bày một sự thật về cái gọi là “chống đường lối chính sách và như thế tức là chống chế độ”! Thì như Bí thư Huyện ủy nọ đang ngấm ngầm phá rào để cho dân có cái ăn đã giải thích với Bí thư Tỉnh ủy tại sao lại phải chui nhủi như vậy: “Sai lầm gì thì còn châm chước được, chứ sai lầm về đường lối thì chỉ có chết”! Bởi vì, một khi “ở trên” đã khẳng định tuyệt đối đường lối luôn luôn đúng, thì dù thực tiễn đã chứng minh là sai mười mươi vẫn phải nghĩ, phải nói là đúng.

Khủng khiếp nhất là điều ấy đã áp đặt vào đời sống tinh thần xã hội, tạo nên một quán tính chỉ đạo hành vi của con người, làm cho con người càng sống càng co mình lại, càng sống càng thấy mình nhỏ bé trước những ám ảnh vô hình bao quanh. Nỗi ám ảnh đó đôi khi do chính mình dựng nên.

Nỗi ám ảnh sợ bị quy kết, nhẹ nhất cũng là thiếu vững vàng về quan điểm lập trường đồng nghĩa với khó được đề bạt, thăng quan tiến chức. Nặng hơn là chuyển khỏi vị trí đòi hỏi sự kiên định và tuyệt đối trung thành, nguy hơn là vào tù do tội “chống đối chính sách đồng nghĩa với chống Đảng, chống chế độ”!

Câu chuyện trong phim [tập 15] về Bí thư Huyện ủy Văn Giang bị khai trừ, cách chức và rồi bị đội cải cách bắt và bắn ngay vào chiều hôm ấy do người con trai nạn nhân kể lại với Bí thư Tỉnh ủy, người từng được bố anh liều mình bảo vệ và chở che trước nanh vuốt của kẻ thù trong thời gian ông hoạt động ở địch hậu, đã dựng lại một thực tế phũ phàng.

Và quả thật, ống kính điện ảnh cận cảnh nét mặt đăm chiêu, đau khổ của người Bí thư Tỉnh ủy tự dằn vặt về trách nhiệm đối với ân nhân của mình đã rọi chiếu một nét nhân văn đáng quý. Chính nỗi xúc động mang tính nhân văn ấy là nền tảng cho nhân cách, bản lĩnh và hành động dám bứt phá của ông, nguyên mẫu của bộ phim. Vâng, “rọi chiếu một nét nhân văn” vào cái thời mà “giai cấp tính” được thay thế cho “nhân tính” theo lý thuyết Maoít.

Những trường đoạn phim tái hiện cảnh các dân quân đeo băng đỏ, biểu tượng của quyền lực chuyên chính, giật miếng thịt trên tay bà cụ nông dân khốn khổ lận lưng đấu gạo để “đổi chui” miếng thịt lợn, bằng chứng không chối cãi của “tiếp tay cho gian thương phá hoại đường lối chính sách của Đảng”, hay cảnh các lãnh đạo xã và HTX Gia Đạo bác bỏ thẳng thừng, tàn nhẫn đơn xin mổ lợn của người dân khi “sang cát” cho bố mình khiến họ phải mổ chui để sửa vài mâm làm giỗ và mời họ hàng, nhưng rồi sau đó “các vị lãnh đạo” vẫn vác miệng đến “ăn cỗ”.

Ống kính đã tế nhị chiếu cận cảnh nét mặt hớn hở của mấy vị dân quân đại diện cho “chuyên chính vô sản” tại nơi thôn cùng xóm vắng kia sắp được bữa chén sau khi hống hách khuyên bà cụ nông dân “lên ủy ban mà kiện xin lại miếng thịt”, cũng như nét mặt nhầy nhụa không chút băn khoăn của vị chủ nhiệm HTX Gia Đạo tại bữa cỗ có được nhờ “mổ lợn chui” sai chính sách!

Xã hội đang mong mỏi có được những Kim Ngọc mới. Mong mỏi có những người lắng nghe được tiếng nói thật của cuộc sống.

Dù chưa đạt được độ sâu của chất lượng nghệ thuật, song hình tượng nhân vật dưới ống kính điện ảnh đã tố cáo rất sắc sảo sự sa đọa về nhân cách của không ít con người, những con người “nhân danh” cho những cái vốn được xem là thiêng liêng ngự trị trong đời sống tinh thần của xã hội.

Phê phán họ ư? Tất nhiên cần phải phê phán. Song quan trọng và cần thiết phải chỉ ra vì đâu mà có sự sa đọa về nhân cách đó? Một khi mà đường lối sai lầm, hình thành một cơ chế kìm hãm sự phát triển, hệ quả của việc “lấy lòng mong muốn thay cho thực tế, nguy hiểm nhất là bất chấp quy luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn, không tính đến điểm xuất phát về tình hình mọi mặt của nước ta lúc bấy giờ… quay lưng lại với biết bao sự thật diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với cái giá đắt phải trả”(*) thì những cái tốt trong con người bị mai một, bị thui chột, để cái xấu nảy nở.

May mà cuộc đời còn có những Kim Ngọc. Chỉ có điều càng xem phim càng day dứt: Sao một thực trạng phi lý đến như vậy, tàn nhẫn đến như vậy mà lại có sức cầm tù cả một thế hệ vốn không hiếm những người dám bứt phá như Kim Ngọc và nhiều người khác nữa? Và như đã trở thành quy luật, những người đi tiên phong, dám bứt lên khỏi cái thực tế đang ngự trị sừng sững trước mắt, bao giờ cũng phải hứng chịu nặng nề những đòn phản công của những thế lực muốn duy trì thực trạng, cản ngăn sự phá vỡ trật tự cũ đang kìm hãm cái mới ra đời.

Xã hội đang mong mỏi có được những Kim Ngọc mới. Mong mỏi có những người lắng nghe được tiếng nói thật của cuộc sống. Nghe được tiếng nói ấy không dễ. Phải nghe bằng cả trái tim và khối óc mới bắt gặp được “tiếng của đất” như Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Không tắm mình trong cuộc sống của dân mà chỉ tự chết ngạt trong đống công văn, chỉ thị bụi bặm của cơ chế quan liêu hết sức xa dân và dai dẳng hành dân, sẽ không thể nào nghe được sự chuyển động thầm lặng nhưng quyết liệt của cuộc sống! Và cũng nhờ đó mà có tấm huân chương trao muộn cho người anh hùng.

Nhưng chính từ sự muộn mằn đó mà ánh phản chiếu từ tấm huân chương lại lấp lánh những tia sáng có sức gợi những nung nấu, khởi động những sức bật cho những ai đang bị chùng xuống sau một chuỗi dài những bế tắc. Quả thật là ức triệu hạt cát mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy mà những tư tưởng nẩy mầm.

* Phạm Văn Đồng. “Văn hóa và Đổi mới”. NXB CTQG. Hà Nội 1994, tr. 35-36

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem