Bắc Kạn: Công trình nước sạch hết sạch nước, dân lo bị “rút ruột”

Chiến Hoàng Thứ bảy, ngày 21/09/2019 10:15 AM (GMT+7)
Dù đã được nghiệm thu, nhưng công trình cấp nước sinh hoạt xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn lại hết sức phập phù, hầu hết các nguồn nước được dẫn về đều ít nhiều bị hư hỏng, mất nước thường xuyên. Đặc biệt có hạng mục công trình không được đơn vị thi công thực hiện nhưng công trình vẫn được nghiệm thu!
Bình luận 0

“Nước sạch - hết sạch nước”, dân kêu trời

Qua tìm hiểu của PV Dân Việt, hầu hết các thôn, bản được thụ hưởng nước từ công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bắc Kạn (Trung tâm NS&VSMTNT Bắc Kạn) làm chủ đầu tư đều đang trong tình trạng mất hoặc thiếu nước nghiêm trọng. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng nhưng người dân vẫn phải múc nước suối về dùng hoặc tự bỏ tiền mua ống dẫn mà bắc nước từ khe về, chỗ gần vài trăm mét, chỗ xa cũng đến hơn 1000m.

img

img

Hộp thu cấp nước cho thôn Bản Piềng được anh Nông Đức Đệ nạo vét rác.

Dẫn PV Dân Việt lên đầu nguồn nước tại Khau Mjoóc, thôn Bản Piềng, anh Nông Đức Đệ, Trưởng thôn Bản Piềng cho biết: "Tôi mới làm trưởng thôn có 2 tháng nhưng đã phải lên sửa trên này đến 5 lần, chưa kể những người khác cũng tự đi sửa mỗi khi mất nước. Nhưng cũng chỉ được vài hôm lại mất nước".

Tại cửa lấy nước dẫn nước cung cấp cho thôn Bản Piềng, ống dẫn bị lỏng chực tuột, nước bắn tung tóe, người dân phải cắt cổ 1 chiếc ủng để nối lại vì không có dụng cụ chuyên dùng. Ông Hà Văn Toàn cùng thôn cho biết, nhà gần nguồn nước nên thường lên sửa mỗi khi mất nước, nhiều khi không sửa được, mất nước dài ngày đành phải múc nước suối mà dùng tạm.

img

Chỗ này ống bị lỏng, người dân phải cắt cổ một chân ủng để buộc tạm.

img

Khi chưa được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, nguồn nước lấy từ công trình nước của Tổ chức ChildFund tài trợ ổn định hơn.

"Trước kia thôn chúng tôi dùng nước từ công trình do Tổ chức ChildFund tài trợ. Từ khi công trình Cấp nước sinh hoạt xã Lục Bình thực hiện sửa chữa, cải tạo và nâng cấp, nước sinh hoạt của chúng tôi trở nên phập phù, thường xuyên không có nước. Người dân phải tự mua ống dẫn nước về hoặc khoan giếng, thậm chí múc nước suối mà dùng. Trước kia, nước sinh hoạt từ công trình cũ ổn định hơn nhiều," anh Đệ nói.

Giống thôn Bản Piềng, nguồn nước cấp cho thôn Lủng Chang và Pác Chang với tổng 161 hộ cũng trong tình trạng mất hoặc thiếu nước trầm trọng. Anh Hoàng Văn Hiến, Trưởng thôn Lủng Chang cho biết, ở đây có hơn 80 hộ thì có đến gần nửa thôn bỏ tiền mua ống tự dẫn về hoặc khoan, đào giếng chứ không dùng nước từ công trình nước sạch, do nước không đảm bảo thường xuyên.

img

Ống xả của bể nước này đã hư hỏng, dẫn đến thất thoát nước.

Ghi nhận của PV Dân Việt, tại nguồn cấp nước cho 2 thôn này, bể chứa chỉ có chưa đến 1/3 nước, ống chờ đáy bể lọc bị bục, được người dân chèn tạm bằng giẻ nhưng cũng không giữ được nước. Riêng đầu thu, hộp thu của nguồn này được đặt ngay giữa dòng nước, đầu ống thu để gần sát đáy, cát, rác trực tiếp tràn vào bởi nắp đậy đã bị hư hỏng, nứt gãy.

Chị Lý Thị Phấn, thôn Pác Chang cho biết, ở đây thường xuyên mất nước, có về thì cũng rất ít, không đủ dùng. Người dân khó nước lắm, phải bỏ tiền tự mua ống mà dẫn thôi. Chị Trương Thị Vinh, trưởng thôn Pác Chang bảo: "Ngày trước gia đình tôi ở Nội Thôn của Hà Quảng (Cao Bằng), trên đó rất khó về nước sinh hoạt mới chuyển về đây sinh sống, nhưng ở đây cũng lại bị thiếu nước sinh hoạt, dù đã có công trình cấp nước sinh hoạt của nhà nước, khổ lắm".

img

Hộp thu nước được đặt giữa dòng nước, nắp đậy đã gãy hỏng, cát và rác tràn vào làm tắc nghẽn, người dân cho rằng rất bất hợp lý vì nhẽ ra phải có hộp lọc rồi dẫn nước sang hộp thu thì mới không có cát, rác; trong khi đầu thu lại được đặt sát đáy hộp thu như chỉ để đợi rác vậy.

Còn bà Nguyễn Thị Mần, thôn Cao Lộc cho hay, nước tại thôn này mất cũng lâu rồi, người dân tự khoan giếng hoặc mua ống dẫn nước về dùng. Gia đình tôi cùng hai nhà khác rủ nhau bỏ tổng số tiền 15 triệu đồng tự dẫn nước về, ổn định lắm.

Câu mà PV được nghe nhiều nhất là, “công trình nước sạch gì mà sạch nước, chẳng có mà dùng”. Người dân ngao ngán lắc đầu khi nói về công trình cấp nước sinh hoạt này.

Có hay không việc công trình bị “rút ruột”?

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, công trình Cấp nước sinh hoạt xã Lục Bình không chỉ thường xuyên mất nước, thiếu nước mà còn có dấu hiệu bị "rút ruột" trong quá trình thi công. 

Theo đó, công trình Cấp nước sinh hoạt xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn là loại và cấp công trình: Hạ tầng kỹ thuật, cấp IV do Trung tâm nước sinh hoạt và VSMTNT Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Báo cáo kinh tế - kỹ thuật được phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-UBND, ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn với tổng mức đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng.

Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững tới nước sạch và vệ sinh nông thôn bằng việc cung cấp nước sạch cho nhân dân và các công trình phúc lợi thuộc xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc kạn.

Về nội dung và quy mô, công trình Cấp nước sinh hoạt xã Lục Bình được xây dựng trên cơ sở hệ thống cấp nước sinh hoạt đã có từ trước, qua thời gian sử dụng đã hư hỏng. Quy mô công trình gồm xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt cũ nhằm đảm bảo cấp nước cho các hộ dân: thôn Bản Piềng; Lủng Chang – Pác Chang; Bản Piềng – Nam, Bắc Lanh Chang, Nà Nghịu và Cao Lộc, Nà Chuông.

Tại thôn Bản Piềng, dẫn PV Dân Việt đến một số hộ trong thôn, anh Nông Đức Đệ cho biết, công trình đã được nghiệm thu, phía đơn vị thi công có lắp đặt đồng hồ và phát cho dân một nắp hộp bảo vệ đồng hồ bằng bê-tông, chỉ có vậy, tuyệt nhiên không thấy có vòi đồng cũng như trụ giữ ống.

img

Không có trụ giữ ống và vòi đồng, gia đình chị Lý Thị Phấn chỉ được phát cho một hộp bê-tông đậy đồng hồ. Toàn bộ khóa, ống dẫn đầu ra gia đình phải tự xử lý.

Thôn Lủng Chang, Pác Chang, các hộ gia đình cũng khẳng định, từ khi thực hiện xong công trình cấp nước sinh hoạt này, họ chưa bao giờ thấy, biết cái trụ giữ ống là cái gì. Tại nhà chị Lý Thị Phấn, thôn Pác Chang, đồng hồ nước được úp hờ bằng chiếc hộp bảo vệ, chị bảo chỉ có thế, họ phát cho một hộp bảo vệ đồng hồ bằng bê-tông, còn ống đưa lên và khóa nước này là gia đình tôi tự lắp.

Trưởng thôn Cao Lộc, anh Chu Văn Huy cũng khẳng định, đâu không biết chứ thôn tôi chưa bao giờ thấy có cái trụ giữ ống cùng vòi đồng nào cả. “Chỉ thấy lắp cái đồng hồ, phát cho mỗi hộ dân một cái hộp bảo vệ bằng bê-tông thôi, còn lại gia đình phải tự xử lý hết”, anh Huy nói.

Theo Báo cáo KTKT được phê duyệt, có 637 trụ vòi. Cấu tạo gồm hộp bê tông bảo vệ đồng hồ M200 đá 1x2, trụ bê tông M150 đá 1x2 giữ ống, kích thước 30x30x30cm, đồng hồ đo lưu lượng nước, van khóa và vòi đồng. Vậy nhưng thực tế khi PV có mặt tại các thôn, thì trụ giữ ống, và vòi đồng không thấy “tăm hơi”. Vậy 637 trụ bê-tông giữ ống cùng 637 vòi đồng đã đi đâu? Chưa kể báo giá ống HDPE phi 20 cao hơn nhiều so với giá người dân mua để tự dẫn nước từ khe về.

Điều đáng nói là công trình này đã được nghiệm thu khối lượng hoàn thành công trình xây dựng ngày 8/11/2018 và nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình ngày 12/6/2019. Vậy tại sao không có trụ giữ ống và vòi đồng như Báo cáo KTKT đã được phê duyệt mà công trình vẫn được nghiệm thu?

img

Công trình được thực hiện tại xã Lục Bình, huyện Bạch Thông nhưng biên bản này lại ghi Thuần Mang, ngày 12/6/2019, trong khi Thuần Mang là một xã của huyện Ngân Sơn.

Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành công trình xây dựng lập ngày 8/11/2018 có ghi thời gian, địa điểm, bắt đầu từ 7h05 đến 11h30, tại công trình. Tuy nhiên, các cửa lấy nước chỗ gần thì đi bộ khoảng 1km, chỗ xa đến vài km, đều là đi bộ, đường rừng; riêng việc đi đến các hộp thu cũng phải mất một buổi sáng, trong khi còn rất nhiều hạng mục khác như bể lọc, bể chứa, hố van điều tiết, hố van xả cặn, trụ vòi của 8 thôn với tổng 637 cái... Trong một buổi sáng có thể kiểm đếm, nghiệm thu, kể cũng là việc làm "phi thường".

Lạ lùng hơn, trên biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình lại ghi là Thuần Mang, ngày 12/6/2019, trong khi Thuần Mang là xã thuộc huyện Ngân Sơn. Tuy nhiên công trình cấp nước sinh hoạt này được thực hiện tại xã Lục Bình, huyện Bạch Thông.

Qua tìm hiểu thực tế và từ phản ảnh của người dân, trụ giữ ống và vòi đồng là không có vậy nhưng biên bản xác nhận vẫn được ghi là “xác nhận trụ vòi có nước”, một số biên bản có chữ ký của trưởng thôn, có biên bản thì không.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Nho, Phó Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Bắc Kạn cho biết, trụ giữ ống là dân phải làm. "Chúng tôi chỉ làm đến đồng hồ mà thôi, còn sau đồng hồ, những trụ giữ ống... nhà nào nhà đấy phải tự làm. Dân khắc làm, muốn làm sao thì làm", ông Nho nói.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem