Siết chặt xách hàng qua biên giới
Vác hàng thuê là một trong những công việc đem lại mức thu nhập cao nhất trong các nghề lao động tự do của cư dân biên giới Móng Cái. Người vác hàng thuê có thể thu được 600.000-700.000 đồng/ngày, thậm chí cả triệu đồng vào những dịp cao điểm.
Lâu nay, hàng trăm người dân Móng Cái vẫn thường xuyên sang Đông Hưng (Trung Quốc) rồi xách hàng về qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Quý.
Những người vác hàng thuê đa phần là phụ nữ khoảng 30-50 tuổi, sống gần cửa khẩu. Họ từ bỏ các việc lao động chân tay thông thường để làm công việc nặng nhọc, bù lại, nó đem đến mức thu nhập gấp 2-3 lần, thậm chí cao hơn.
Công việc của người vác hàng thuê bắt đầu từ sáng sớm, trước khi cửa khẩu Móng Cái mở cửa. Phần lớn người vác hàng thuê sau khi làm thủ tục tại cửa khẩu, xuất cảnh sang Đông Hưng (Trung Quốc), đến các điểm tập kết để xách hàng về Móng Cái cho các đầu lậu, chủ hàng.
Phần còn lại đứng ngồi ngổn ngang trước cổng cửa khẩu, chờ đợi những đoàn khách Trung Quốc trở về sau chuyến du lịch hay khách lẻ 2 nước đi thăm thân, công tác có mua nhiều hàng hóa đem về.
Cư dân biên giới Móng Cái xếp hàng chờ qua cửa khẩu. Ảnh: Nguyễn Quý.
Từ ngày 14.12 vừa qua, việc xách hàng tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã được siết chặt lại, theo quy định của Chính phủ.
Một số cư dân chưa đồng tình với việc triển khai thực hiện quy định về hoạt động thương mại biên giới nêu trên.
Theo những người làm nghề xách hàng qua cửa khẩu, những ngày cuối năm thường là những ngày tranh thủ kiếm tiền. Mấy ngày nay, bất đắc dĩ họ phải nghỉ làm, cùng nhiều người khác kéo lên trụ sở Chi cục Hải Quan cửa khẩu Móng Cái khiếu nại.
Họ cho rằng, nhu cầu giao thương có lớn, thì những chủ hàng mới cần đến nhiều người vác hàng thuê. Cũng nhờ có nhiều việc, nhất là vào dịp cuối năm thì gia đình của những cư dân biên giới mới có được cuộc sống ổn định.
Người dân tập trung tại trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái vào ngày 16.12 (Ảnh: Nguyễn Quý).
“Đúng là ngoài việc mua hàng bên Trung Quốc cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, chúng tôi chủ yếu kiếm cơm bằng nghề vác hàng thuê qua cửa khẩu. Nếu hạn chế lần đi lại qua cửa khẩu thì đời sống của cư dân biên giới như Móng Cái sẽ rất khó khăn. Nhà nước nên có một cơ chế phù hợp hơn,” – anh Dũng nói.
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người là cư dân Móng Cái xách hàng qua cửa khẩu. Ảnh: Nguyễn Quý.
"Không thể để tiếp tay cho hàng lậu"
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải Quan cửa khẩu Móng Cái, khi trao đổi với Dân Việt về vụ việc người dân khiếu nại tại trụ sở.
“Việc thắt chặt quản lý hoạt động thương mại biên giới là thực hiện theo Nghị định 134 để triển khai Nghị định 14 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với cư dân biên giới trên 8 xã, phường của TP.Móng Cái được hưởng tiêu chuẩn 1 tháng 4 lượt, mỗi lượt không quá 2 triệu đồng, và với 45 mặt hàng đã được niêm yết tại cửa khẩu.
Nhưng lâu nay có tình trạng một số đầu lậu đứng đằng sau người lao động, thuê người dân xách hàng vượt quá các định lượng trên.
Cảnh người và hàng bị tắc nghẽn thường xuyên xảy ra ở Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Anh: Nguyễn Quý.
Đến nay chính quyền địa phương, Hải quan và lực lượng Biên phòng tăng cường quản lý hoạt động thương mại, an ninh trật tự khu vực cửa khẩu, biên giới, áp dụng thu thuế theo quy định. Điều này làm người dân không đồng thuận, yêu cầu tha thiết phải được xách hàng nhiều hơn theo quy định của Nghị định 14,” – ông Hoàn nói.
Cũng theo ông Hoàn, bất chấp những cố gắng của các lực lượng chức năng, nhiều cư dân vẫn cố tình không thực hiện đúng chính sách cư dân biên giới, cá biệt đã xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình, kích động nhân dân gây sức ép với các ngành quản lý tại cửa khẩu.
Trước tình hình đó, các ngành khối cửa khẩu mà vai trò chủ đạo là lực lượng Hải quan đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ quản lý, kết hợp tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân chấp hành quy định của pháp luật về chính sách cư dân biên giới.
Hàng trăm cư dân biên giới đã kéo đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái khiếu nại trong những ngày qua. Ảnh: Nguyễn Quý.
Ông Nguyễn Văn Kinh, Chủ tịch UBND TP.Móng Cái cũng cho biết: “Mấy ngày qua chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, người dân cũng đã nhận ra việc thực hiện theo Nghị định 14 của Thủ tướng là đúng đắn.
Những ngày sau đó còn khoảng 20 người dân bám trụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, chúng tôi đã chỉ đạo xã, phường địa phương đến vận động người dân ra về.
Trước mắt chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa cho người lao động làm việc tại các chợ đầu mối, lâu dài sẽ đưa việc quản lý hoạt động thương mại biên giới ở Móng Cái đi vào nề nếp”.
Điều 10, Nghị định 14/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Chính sách thuế, phí và lệ phí
1. Thương nhân hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
2. Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại Nghị định này được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
4. Thuế, phí và lệ phí trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.