"Kaito Kid" tái xuất, mập mờ chuyện dự đoán đề Văn tốt nghiệp THPT 2023: Giáo viên cảnh báo
"Kaito Kid" tái xuất, mập mờ chuyện dự đoán đề Văn tốt nghiệp THPT 2023: Giáo viên cảnh báo
Tào Nga
Thứ năm, ngày 22/06/2023 10:40 AM (GMT+7)
Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT, tài khoản Facebook có tên Kaito Kid tái xuất và mập mờ nói về dự đoán đề Văn tốt nghiệp THPT 2023. Giáo viên đã lên tiếng cảnh báo.
Kaito Kid mập mờ chuyện dự đoán đề Văn tốt nghiệp THPT 2023
Theo đó, tài khoản Kaito Kid có viết: "Đêm diễn trong mơ" - 21:00 ngày 27/6", mập mờ nói về việc vào đúng 21h ngày 27/6, tức là đêm hôm trước khi diễn ra buổi thi môn Văn sẽ dự đoán đề thi. Không những vậy, tài khoản này còn cho hay: "Đó là cuộc hẹn lãng mạn dưới ánh trăng tuyệt đẹp. Mình sẽ dò bài mọi người đó nên mọi người nhớ ôn hết trước khi tham gia "Đêm diễn trong mơ" nha".
Hiện dòng chia sẻ này đã nhận được hàng chục nghìn lượt yêu thích và chia sẻ.
Năm 2022, ngay sau khi kết thúc thời gian thi môn Văn, mạng xã hội hoang mang trước thông tin một nhóm diễn đàn liên quan đến học đường với 2,3 triệu thành viên đã tiết lộ "2k5 biết nương tựa vào ai rồi đấy". Kèm theo đó là hình ảnh một tài khoản khá nổi tiếng trên mạng xã hội tên Kaito Kid đã công bố dự đoán đúng đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm 2022 vào tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa". Không chỉ thế, tại khoản này còn đoán đúng cả môn Văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 3 năm.
Thông tin của Kaito Kid làm dấy lên nghi vấn lộ đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm 2022, khiến Bộ GDĐT thời điểm đó phải lên tiếng rằng "xuất hiện một số thông tin giả mạo, sai lệch về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022", đồng thời cảnh báo "người dân không lan truyền, phát tán các thông tin giả mạo".
Không nên học tủ môn Văn thi tốt nghiệp THPT 2023
Liên quan đến việc dự đoán đề thi và học tủ môn Văn thi tốt nghiệp THPT 2023, em Lô Thị Hoàng Kim, thủ khoa khối C00 vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021 cho hay: "Ngày trước em không nghĩ đến việc học tủ. Lúc em thi có rất nhiều bạn suy đoán sẽ ra phần truyện ngắn Vợ chồng A phủ, Vợ nhặt nhưng đề thi vào bài thơ Sóng".
Hoàng Kim nhấn mạnh: "Em nghĩ rằng cắc bạn không nên học tủ, cần có chiến lược ôn thi rõ ràng, khoa học, nắm vững nội dung và giá trị của mỗi tác phẩm. Như vậy, dù đề có ra bài nào thì mình đều tự tin làm được.
Em thấy một số bạn cho rằng những đề bài đã ra vào năm trước hay trong đề minh hoạ thì sẽ không có trong đề thi thật. Tuy nhiên theo em suy nghĩ này không hoàn toàn đúng. Những bài đó vẫn có thể xuất hiện trong đề thi thật, có chăng là xác suất sẽ thấp hơn các bài khác một ít. Nhưng như vậy không có nghĩa là các bạn chủ quan, bỏ qua, không học những bài đấy".
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM nhấn mạnh: "Việc đoán đề của cá nhân hoặc tổ chức lan truyền trên mạng, dù là có trùng hợp chăng nữa cũng là do yếu tố may rủi ngẫu nhiên. Không thể tin chắc chắn 100% và đặt "số phận" điểm thi môn Văn của mình vào đó.
Các em cũng không cần phải lo lắng việc lộ đề vì tính bảo mật của đề thi rất cao. Nói ra tên tác phẩm một cách ngẫu nhiên như xổ số thì ai cũng có thể phát ngôn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đề thi bị lộ. Đề Văn đều yêu cầu học sinh thể hiện quan điểm cá nhân, góc nhìn riêng, sự sáng tạo của bản thân...
Bên cạnh đó, là người làm giáo dục, cô Tuyền nêu quan điểm không cổ suý cho việc đoán đề hoặc tư vấn học sinh học tủ. "Thật ra môn Văn không chỉ là thuộc lòng và chép. Đây là một môn học tư duy. Việc học và hiểu toàn bộ tác phẩm theo lộ trình môn học sẽ cho các em kiến thức hệ thống. Điều đó sẽ giúp các bạn bước vào phòng thi một cách tự tin hơn. Khi có kiến thức đầy đủ, bạn sẽ viết một cách cảm hứng, cảm xúc hơn. Việc liên hệ so sánh giữa các tác phẩm cũng sẽ là điểm cộng cho bạn", cô Tuyền chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.