Người trẻ nhất cũng là duy nhất ở Đakrông còn làm đàn Ta lư

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 16/10/2023 14:10 PM (GMT+7)
Qua bao biến thiên lịch sử và sự hoà nhập của nhịp sống hiện đại, giờ đây ở Tà Rụt và các xã lân cận, chỉ còn anh Hồ Văn Việt làm đàn Ta lư của người Pa Kô. Nỗi lo về sự mai một nghề truyền thống vẫn luôn làm anh Việt và những người tâm huyết với văn hoá truyền thống canh cánh trong lòng.
Bình luận 0

Cây đàn của người Pa Kô

Tháng 9, xã miền núi Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị trở nên đỏng đảnh, sáng mưa chiều nắng. Dưới ánh chiều tà, chúng tôi có mặt tại nhà anh Hồ Văn Việt sau hơn 2 giờ đồng hồ ngồi ô tô từ thành phố Đông Hà.

Ngôi nhà sàn bằng gỗ, đơn sơ, cũ kỹ của anh Việt nằm bên con suối, gần sông Đakrông huyền thoại. Người đàn ông 49 tuổi đón chúng tôi với nụ cười hiền từ, khoai thai.

"Nhà mình nghèo, khách đến trải tấm chiếu, rót ly nước lá rừng mời chứ không có gì ngon, lạ cả. Vợ mình đang đi đặt bẫy chuột rừng, tối mới về. Chuột rừng là đặc sản dân bản mình, nhưng Tết mới có nhiều" – anh Việt chia sẻ.

Người đàn ông duy nhất ở Đakrông làm đàn Ta lư - Ảnh 1.

Anh Hồ Văn Việt chăm chút làm đàn Ta lư bằng dụng cụ thủ công như dao rựa, đục. Ảnh: Ngọc Vũ.

Biết chúng tôi đến tìm hiểu về đàn Ta lư, đôi mắt anh Việt sáng bừng lên rồi vào chuyện ngay. Anh Việt kể, từ tấm bé anh đã mê tiếng đàn của ông, của bố. Lên 15 tuổi, khi tay cầm vững cây rựa, cây đục, anh Việt xin bố học làm đàn, chơi đàn Ta lư.

Theo anh Việt, đàn Ta lư có từ hàng trăm năm trước, gắn bó với cuộc sống tinh thần của người Vân Kiều và Pa Kô. Đàn ngày xưa chủ yếu làm bằng tre. Trước tiên là chọn chặt khúc tre già tuổi, dài khoảng 70-80cm, to bằng cổ tay rồi khoét thông hai đầu ống. Chọn một mặt của thân tre để tạo nên mặt trên của ống, sau đó khoét một lỗ nhỏ giữa phần mặt trên hai đầu ống. Từ đây, bắt đầu hoàn thiện các phần dây đàn bằng tre (chỉ có 2 dây), dụng cụ điều chỉnh cho căng dây đàn. Thời chống giặc ngoại xâm, sức mạnh cổ vũ tinh thần của đàn Ta lư đã góp sức cùng bà con nơi đây tiếp lương, tải đạn, đi theo cách mạng. Lời ca trong bài hát Tiếng đàn Ta lư của nhạc sĩ Huy Thục đã viết: "Đàn Ta lư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng, mừng thắng trận quê em…"

Để âm thanh tiếng đàn to hơn, nhìn đẹp hơn, người Pa Kô bắt đầu làm đàn Ta lư bằng gỗ.

Người đàn ông duy nhất ở Đakrông làm đàn Ta lư - Ảnh 2.

Ngoài làm và chơi được đàn Ta lư, anh Việt còn chơi được nhiều loại đàn và nhạc cụ khác. Trong ảnh, anh Việt đang cùng các nghệ nhân dạy văn hoá truyền thống Pa Kô do Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị mở lớp. Ảnh: Ngọc Vũ.

Anh Việt vẫn còn nhớ như in cây đàn Ta lư đầu tiên do mình tự tay hoàn chỉnh. Đó là một buổi sáng tháng 5/1996, anh Việt cùng vợ là Hồ Thị Chong (SN 1977) lên rẫy thì phát hiện một gốc gỗ mít to, đẹp. Chị Chong nói với chồng hãy làm một cây đàn Ta lư, khi nào buồn thì mang ra đánh cho đỡ tủi phận nghèo.

Cưa khúc cây mít về, anh Việt phơi nắng 3 tháng cho thật khô. Sau đó mới dùng rựa tạo dáng cây đàn, dùng đục tạo bầu dưới (a pôộc), thân trên (proong), phần trên cùng (plo), các cung bậc (kâl lăng), dụng cụ điều chỉnh dây (parviêt), dây đàn (ưm preh). Tùy theo sở thích của từng người mà chế tạo đàn to hay nhỏ.

Người đàn ông duy nhất ở Đakrông làm đàn Ta lư - Ảnh 3.

Anh Hồ Văn Việt (thứ 2, từ phải sang) đang cùng biểu diễn tiết mục văn nghệ truyền thống người Pa Kô vào năm 2013. Nhiều năm qua, anh Việt đã tham gia biểu diễn ở nhiều cuộc thi như thế và đạt nhiều giải cao. Ảnh: Ngọc Vũ.

Anh Việt cho biết, nguyên bản cây đàn Ta lư chỉ có 2 dây, làm bằng sợi dây rừng, khi đánh bị thiếu âm và âm thanh phát ra nhỏ. Vì vậy, sau này người Pa Kô thêm một dây đàn để đánh được nhiều bài hát hơn. Dây đàn cũng thay bằng dây cước, rồi dây hiện đại, tiếng đàn vang xa hơn.

Chính vì sự cách tân này, người làm đàn Ta lư càng phải có bàn tay điêu luyện để giữ được âm thanh êm ái và trong trẻo như cây đàn Ta lư nguyên thủy.

Vang mãi tiếng đàn trên dãy Trường Sơn

Anh Việt cho hay, thường thì đàn Ta lư nhỏ dành cho phụ nữ, đàn to dành cho đàn ông đánh. Thời gian làm một chiếc đàn nhỏ khoảng 6-7 ngày, đàn to khoảng 10 ngày. Khi chơi nhạc cụ này, đàn được đặt giữa lòng hai bàn tay, chỉ cần dùng 2 ngón tay cái để gảy đàn, các ngón tay khác luân chuyển tùy theo điệu nhạc. Âm thanh đàn phát ra rất trong. Người chơi đàn có thể vừa đánh đàn, vừa hát bài hát mình yêu thích.

Thông qua cây đàn, người Vân Kiều, Pa Kô có thể tỏ tình cảm buồn, vui với nhau. Tiếng đàn còn để giải trí lúc nghỉ ngơi, ru con, giao duyên, cầu mưa thuận gió hòa, mừng lễ hội…

Không chỉ làm và chơi được đàn Ta lư, anh Việt còn chơi rất hay các loại nhạc cụ khác như khèn bè, thanh la, đàn bầu…

Người đàn ông duy nhất ở Đakrông làm đàn Ta lư - Ảnh 4.

Tại các lớp học văn hoá truyền thống đồng bào Pa Kô, các bạn trẻ tham gia đông và hào hứng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Nghệ nhân ưu tú Kray Sức – cây đại thụ của người Pa Kô ở tỉnh Quảng Trị cho biết, thời điểm hiện tại, anh Hồ Văn Việt là người Pa Kô trẻ nhất và duy nhất ở huyện Đakrông còn làm đàn Ta lư.

Cùng với sự xâm nhập của khoa học kỹ thuật, các phương tiện giải trí hiện đại, đầu ra cho sản phẩm khó khăn nên lớp trẻ bây giờ ít ai quan tâm học cách làm đàn. Anh Việt chỉ làm đàn cho ai đặt mua.

Chính vì vậy, không chỉ anh Việt, nghệ nhân ưu tú Kray Sức mà nhiều người đam mê văn hoá truyền thống Vân Kiều – Pa Kô rất lo lắng khi nghĩ đến "số phận" sau này của đàn Ta lư.

Tuy nhiên, ông Kray Sức tin rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thực hiện dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch" và đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2030", đàn Ta lư nói riêng, di sản văn hoá người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sẽ được hồi sinh mãnh liệt.

Người đàn ông duy nhất ở Đakrông làm đàn Ta lư - Ảnh 5.

Tiếng đàn Ta lư vẫn vang vọng đến khắp bản làng bên dòng Đakrông huyện thoại là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những dự án, đề án thiết thực. Ảnh: Ngọc Vũ.

Bằng chứng là thời gian gần đây, nhiều lớp dạy văn hoá, văn nghệ cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị mở ra. Tại các lớp học này, các nghệ nhân, cán bộ văn hoá trực tiếp truyền dạy lời ca tiếng hát, cách chơi nhạc cụ cho người có yêu thích. Tham gia lớp học chủ yếu là những bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Tất cả đều tỏ ra hào hứng và tự hào về văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Từ các lớp học này, tiếng đàn Ta lư cùng các làn điệu của người Pa Kô đang vang vọng đến từng bản làng, từng nóc nhà trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Anh Hồ Văn Việt làm đàn Ta lư. Clip: Ngọc Vũ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem