Trước đó, một số ngân hàng cũng đã mạnh dạn rót vốn vào mô hình cánh đồng mẫu lớn…
2 đối tượng luôn cần vốnTheo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) đã bắt đầu tăng trở lại 0,1%, điều này đồng nghĩa với vốn chảy vào sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc.
Và đối với nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tam nông luôn được các nhà kinh tế quan tâm, phân tích, đánh giá, nhận định. Đơn giản, nông nghiệp và nông thôn là khu vực luôn cần vốn của NH.
Đại diện Ngân hàng Standard Chartered và Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang ký kết tài trợ để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định với phóng viên NTNN: 2 đối tượng luôn cần vốn của NH là người nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Họ cần cả vốn ngắn hạn lẫn vốn trung và dài hạn.
Thế nhưng theo chị Lý Thu Hương - thành viên doanh nghiệp Eco (Hà Nội): Mỗi lần muốn vay vốn, các NH thường đưa ra những yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Tấm sổ đỏ đã được cầm cố ở ngân hàng, giờ muốn vay thêm vốn để mở rộng sản xuất cũng không có tài sản nào để thế chấp nữa.
Tính đến 31.12.2013, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn quốc theo Nghị định 41/CP đạt 671.986 tỷ đồng, tăng 19,67% so với năm 2012; chiếm tỷ trọng 19,32% trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Nếu so với năm 2009 (khi chưa có Nghị định 41), dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp 2,29 lần. Dù vậy, con số này vẫn quá ít so với nhu cầu vốn.
Về phía NH, dù NHNN đã xác định nông nghiệp, nông thôn là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên và tập trung nguồn vốn cho vay; tuy nhiên, cũng thật khó trách hệ thống NH bởi rủi ro của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là không nhỏ. NH muốn giải ngân vốn cũng phải cân nhắc đủ điều vì sợ nợ xấu… Vốn vào tam nông vì vậy bị nghẽn mạch, bị tắc và được tung ra nhỏ giọt.
Mô hình vay vốn khép kín
"Rõ ràng cơ chế cho vay theo chuỗi sản xuất là hoàn toàn mới, và đáp ứng được yêu cầu vay, và thu hồi vốn của ngân hàng”. TS Nguyễn Trí Hiếu
|
Vậy làm cách nào để khơi thông dòng vốn cấp thiết này, là điều được dư luận đặc biệt quan tâm. Và một mô hình đang bắt đầu được triển khai hiệu quả gần đây là ngân hàng mạnh tay rót vốn vào các mô hình nông nghiệp thí điểm liên kết trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp, mô hình sản xuất áp dụng khoa học công nghệ cao…
Ví dụ điển hình là Ngân hàng Standard Chartered đã tài trợ 70 triệu USD cho Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) để giúp AGPPS đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn tại khu vực ĐBSCL.
Trong năm 2014, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai thí điểm 1-2 mô hình cho vay theo chuỗi liên kết “Cánh đồng mẫu lớn” đối với lúa gạo. Nếu thành công sẽ nhân rộng các mô hình vay vốn khép kín này đối với các lĩnh vực sản xuất - chế biến xuất khẩu cá tra, chăn nuôi gia cầm sạch, sản xuất xuất khẩu trái cây và hoa cảnh.
Hồ Hương (Hồ Hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.