Nơi vẫn “nóng” hơi thở cuộc chiến (Kỳ 1)

Nguyễn Gia Tưởng Thứ năm, ngày 23/07/2015 06:50 AM (GMT+7)
Dù chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng với những người làm công tác chăm sóc thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (xã Đồng Phong, Nho Quan, Ninh Bình) cùng những thương bệnh binh nơi đây, từng ngày như vẫn còn trong cuộc chiến. Họ chưa bao giờ ngơi nghỉ, bởi những di chứng của chiến tranh vẫn “nóng” trong cuộc đời của những người từng vào sinh ra tử.
Bình luận 0

Kỳ 1: Cuộc chiến ở trong đầu

Sau những thủ tục để làm việc với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, Giám đốc Lâm Quang Đạo dẫn chúng tôi xuống khu điều dưỡng. Vừa đi anh Đạo vừa giới thiệu: Sở dĩ trung tâm được xây dựng thiết kế khá chắc chắn và biệt lập như thế này bởi toàn quản lý những thương binh đặc biệt...

Đưa tin suốt cuộc đời

Theo lời anh Đạo, thương binh ở trung tâm thuộc đủ các binh chủng hợp thành, từ đặc công trinh sát, công binh, bộ binh... “Rất nhiều người trong số họ giỏi võ, ở thời kỳ sung sức có thể một mình tay không cũng hạ được cả một tá đối thủ. Kỹ năng sẵn có ấy, cộng với những cơn kích động đột ngột do vết thương vùng sọ gây ra, nên những người thương binh ở trung tâm vô cùng nguy hiểm...” -  anh Đạo nói, giọng đầy ngậm ngùi.

img

Những người thương binh vẫn bị ám ảnh bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Ảnh:  G.T

Dẫn chúng tôi xuống khoa 1, nơi có toàn bộ thương bệnh binh diện “kích động, nguy hiểm” nhất, anh Đạo chia sẻ: “Đất nước đã yên tiếng súng nhiều năm, nhưng ở đây thì cuộc chiến vẫn diễn ra hàng ngày đối với các thương bệnh binh và y bác sĩ”.

Người tôi gặp đầu tiên là thương binh Nguyễn Đức Vinh, hơn 65 tuổi, quê Nghệ An vốn là một sĩ quan thông tin tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Sau hàng chục năm được điều trị bằng thuốc an thần kinh để bớt những cơn kích động đột ngột như đập phá, hành hung, la hét... bây giờ sức khỏe của ông đã khá ổn định. Nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, 2 tay ông Vinh vẫn nhịp nhàng như múa với những động tác đánh máy điện tín 2W tạch tè,   tạch tè... rồi nói một tràng dài: “Bắc Giang, Em Bé, Em Bé về nhà, Thái Nguyên xin mưa, xin mưa lên núi….”  Sau cả một đoạn độc thoại dài, ông Vinh bắt tôi ngồi im để thông báo. Thì ra những từ mà người sĩ quan thông tin này vừa nói là đưa thông tin về ban chỉ huy chiến dịch, những từ như “Em Bé” là vị trí quy định nơi quân ta đang chiến đấu thuộc tọa độ, kinh độ nào đó. Và  “Xin mưa, xin mưa lên núi”, chính là thông báo để xin pháo binh ta bắn  lên đỉnh núi...

Trong câu chuyện “lơ ngơ” giữa tôi và ông Vinh thì tôi hiểu được: Trong một trận chiến ác liệt, địch đã tấn công đơn vị của ông Vinh với một lực lượng mạnh gấp nhiều lần, khiến cho phía ta gặp bất lợi. Ông Vinh đã gọi pháo binh chi viện, và ông cũng bị chấn thương sọ não trong  trận đó. Tới bây giờ sau hơn 40 năm, cứ theo thói quen đúng giờ chiến đấu là ông Vinh lại ra “đánh điện tín” như vậy. Với ông, cuộc chiến còn hằn in trong đầu và bản thân mình vẫn còn đang tuổi đôi mươi đầy dũng cảm với quyết định “xin mưa lên đỉnh núi” dù có phải hy sinh.

Những cơn đau vỡ sọ

Không bị rơi vào trạng thái kích động đột ngột, dẫn đến đập phá hay hành hung người chăm sóc, y bác sĩ, nhưng chiến sĩ đặc công Đinh Công Chuẩn (65 tuổi, quê Nho Quan) lại bị những cơn đau quái ác hành hạ sống dở chết dở bởi 2 mảnh đạn vẫn còn găm sâu trong đầu không thể nào phẫu thuật ra được. Ông Chuẩn chậm chạp kể khi được hỏi về mình: “Tôi bị thương ở chiến trường Quân khu 9 thuộc tỉnh Long An bây giờ. Lúc đó là năm 1970, địch đi càn có máy bay trực thăng yểm trợ. Chúng tôi là những đặc công nước, được lệnh giữ bí mật lực lượng, ngụy trang dưới sình lầy. Mặc dù không đụng phải bộ binh địch nhưng chỗ đơn vị ẩn nấp đã bị trực thăng địch tấn công. Từ trên cao, chúng bắn như vãi trấu, anh em ở trong đơn vị bị thương vong khá nhiều, tôi bị 2 mảnh đạn xuyên từ trán vào sâu trong não không phẫu thuật được”.

Sau đó, ông Chuẩn phải rời đơn vị về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Tại đây ông đã quen và kết duyên với hộ lý Trần Thị Tấm, sinh được 2  con trai. “Những lúc vết thương không tái phát thì cũng có khó chịu đôi chút, nhưng khi trái nắng trở trời thì đúng là đau, sống không bằng chết. Tôi nhiều lần đã có ý định đập đầu vào tường tự tử để giải thoát khỏi những cơn đau” - ông kể.

Là người trực tiếp điều trị cho thương binh Chuẩn nhiều năm, ông Lâm Quang Đạo chia sẻ: “Bác Chuẩn vốn là người hiền lành ít nói, nhưng khi bị cơn đau hành hạ, bác sẵn sàng lao vào tường, hay lấy vật cứng đập vào đầu mình để mong giải thoát khỏi những cơn đau khủng khiếp. Lúc đó chúng tôi lại phải huy động hết các phương pháp điều trị, cử người canh gác kèm cặp bác để ngăn bác lao đầu vào tường”. Nhìn những bệnh nhân bị hành hạ bởi vết thương chiến tranh, bác sĩ Đạo cũng cảm thấy có vật gì đó như đang đâm vào óc vào tim mình: “Chúng tôi luôn coi việc giải phóng khỏi cơn đau cho các thương bệnh binh là một mệnh lệnh của thời hậu cuộc chiến. 

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan thành lập năm 1960. 50 năm qua, trung tâm đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 2.000 thương bệnh binh. Hiện nay, trung tâm đang quản lý, điều trị, nuôi dưỡng, chăm sóc 159 người, trong đó có 90 thương bệnh binh nặng, mất sức từ 81% trở lên, 14 con của người bị nhiễm chất độc hóa học, 55 người diện tâm thần xã hội. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem