Nuôi cua gạch to bự trong đầm phá, thương lái tranh nhau mua hết, nông dân Thừa Thiên-Huế lãi lớn

Bình Minh Thứ năm, ngày 10/08/2023 18:58 PM (GMT+7)
Tham gia mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã giúp người dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng thu nhập. Giá mỗi kg cua gạch bán cho thương lái từ 350.000 - 400.000 đồng/kg, cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với nuôi cua thịt.
Bình luận 0

Nuôi cua gạch bán giá 350 - 400 nghìn đồng/kg

Trao đổi với Dân Việt, ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cua gạch là một trong những loại thuỷ đặc sản vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. 

Nhưng do đánh bắt quá mức nên những năm gần đây, cua gạch trở nên khan hiếm trong đầm phá tự nhiên. 

Trong khi sản lượng cua gạch nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Bởi khan hiếm nên cua gạch thường có giá đắt đỏ. Tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh, mỗi kg cua gạch thường có giá bình quân  từ 350.000 - 400.000 đồng.

Nhận thấy thị trường tiêu thụ mạnh, bán được giá, từ đầu năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giao triển khai mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. 

Thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang) và xã Hương Phong (TP. Huế) là hai địa điểm được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn triển khai mô hình với quy mô 2,5 ha/2 điểm, 5 hộ tham gia.

Sau hơn 4 tháng nuôi cua, tỷ lệ cua sống đạt 73%, trọng lượng 150 - 170 gam/con, sản lượng của 5 hộ tham gia đạt gần 3 tấn.

Nuôi cua gạch to bự trong đầm phá, bắt đến đâu thương lại mua hết, nông dân TT- Huế lãi hơn 100 triệu đồng/ha - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng đoàn cán bộ địa phương kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi của gạch của hộ gia đình anh Vương Đức Khánh ở xã Phú Gia, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Bình Minh

Ông Châu Ngọc Phi cũng cho hay, sang năm 2022 và 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền), Phú Hải, Vinh Xuân, Phú Gia (huyện Phú Vang), Giang Hải (Phú Lộc) với diện tích 4ha.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ lệ cua sống đạt trên 66%, trọng lượng bình quân 206 gam/con, một số con đạt trọng lượng 300 gam/con, tỷ lệ lên gạch đạt trên 50%.

Ông Nguyễn Thái, nông dân ở xã Quảng Thành cho biết, tham gia mô hình với diện tích 5.000m2, ông thả 4 vạn con cua giống. Qua quá trình nuôi, tỷ lệ sống của cua đạt 66%, sản lượng thu hoạch đạt 7,5 tạ cua gạch thương phẩm. Sau khi bán cho thương lái, ông thu lãi 55 triệu đồng.

"Các quy trình, kỹ thuật nuôi cua gạch cơ bản giống với nuôi cua thịt thương phẩm. Thời gian sinh trưởng, chi phí con giống, thức ăn tương đương nuôi cua thịt nhưng lợi nhuận từ nuôi cua gạch cao hơn từ 1,5 đến 2 lần và được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ mạnh", ông Thái chia sẻ.

"Tham gia mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, người dân được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sau khi thu hoạch được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mô hình giúp người dân chủ động được nguồn giống từ việc sử dụng giống cua tự ương từ cua khay; phân loại và chọn lọc cua cái đủ số lượng ngay từ giai đoạn ương chuyển qua nuôi thương phẩm, tạo ra sản phẩm cua gạch chất lượng, có giá trị kinh tế cao", ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hướng đi mới từ nuôi cua gạch

Tham gia mô hình nuôi cua gạch với diện tích 5.000m2 từ đầu năm 2023, anh Vương Đức Khánh, xã Phú Gia, huyện Phú Vang cho biết, cua sinh trưởng tốt. Hiện anh Khánh đã nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi cua gach theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông tỉnh.

Anh Khánh cho biết, tham gia mô hình anh được hỗ trợ 70% cua giống, thức ăn và 50% hoá chất, chế phẩm, phần còn lại các hộ tham gia mô hình đối ứng. 

Ngoài ra, anh còn được tập huấn trang bị các kiến thức về đặc điểm sinh học của con cua gạch; Kỹ thuật ương cua giống trong ao từ nguồn giống sinh sản nhân tạo; kỹ thuật nuôi cua gạch trong ao; biện pháp phòng, trị một số bệnh thường gặp trên cua nuôi; cách đo và quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi như: pH; kiềm, độ mặn,… Anh Khánh và các hộ nuôi cua cũng được hướng dẫn cách sử dụng men vi sinh xử lý ao ương và ao nuôi; cách bổ sung vitamin C, khoáng cần thiết cho cua sinh trưởng và phát triển tốt trong ao…

Nuôi cua gạch to bự trong đầm phá, bắt đến đâu thương lại mua hết, nông dân TT- Huế lãi hơn 100 triệu đồng/ha - Ảnh 3.

Ông Châu Ngọc Phi (ngoài cùng bên trái), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp người dân thu lãi từ 100 đến 120 triệu đồng/ha. Ảnh: Bình Minh

Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông tỉnh, mô hình của anh Khánh được triển khai nuôi qua 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn ương giống, cua được thả nuôi từ ngày 15/3 với số lượng 3 vạn con giống, kích thước cua giống từ 0,5 - 01 cm. Sau 1,5 tháng ương giống, tỷ lệ cua sống đạt trên 35%, trọng lượng trung bình 35 con/kg. 

Giai đoạn thu con giống đưa sang ao nuôi lên gạch, với tỷ lệ cua cái 85%, cua đực 15%. Đến nay sau gần 4,5 tháng thả nuôi, cua phát triển tốt, cho ăn hoàn toàn bằng cá tạp tươi, trộn thêm vitamin C, kích cỡ cua ước đạt từ 180 - 200 g/con, cua cái bắt đầu tựa gạch.

Mới đây, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng cán bộ khuyến nông địa phương đến thăm mô hình, kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại ao nuôi của anh Khánh. Ông Thanh nhấn mạnh: "Mô hình nuôi cua gạch thương phẩm cho thấy hiệu quả rõ rệt và thích ứng rất tốt với điều kiện khí hậu, môi trường tại địa phương".

Nuôi cua gạch to bự trong đầm phá, bắt đến đâu thương lại mua hết, nông dân TT- Huế lãi hơn 100 triệu đồng/ha - Ảnh 4.

Anh Vương Đức Khánh, xã Phú Gia, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) đang tham gia mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích 5.000m2. Ảnh: Bình Minh

Theo ông Thanh, trong điều kiện môi trường, khí hậu ngày càng thay đổi, tôm, cá thường bị dịch bệnh thì nuôi cua, đặc biệt là cua gạch đã mở ra nhiều cơ hội, triển vọng trong nuôi trồng thủy sản.

"Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế cần phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường truyền thông, tổ chức các đợt tham quan nhằm phổ biến quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình nuôi cua gạch để nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả; hình thành các tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 3 năm, mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã được thực hiện tại 21 hộ, với diện tích 10,5ha. Đánh giá tại các hộ tham gia mô hình năm 2023 cho thấy, đang ở giai đoạn nuôi cua lên gạch, ước tỉ lệ sống trung bình 70%; trọng lương cua từ 160-180g/con; ước sản lượng 4,6-4,8 tấn/4 ha; người dân thu lãi từ 100 đến 120 triệu đồng/ha.

"Qua 3 năm thực hiện dự án thì hiệu quả đem lại khá tốt, hầu hết ngư dân đồng thuận cao với kết quả đạt được. Các các hộ dân ở các địa phương cũng rất mong muốn học tập và nhân rộng mô hình. Dự kiến sẽ nhân rộng mô hình trên 20ha", ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem