“Sắc màu Tây Bắc” tại Hà Nội: Thỏa nỗi nhớ đèo, nhớ bản...

Thứ tư, ngày 25/04/2012 17:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tây Bắc - vùng rừng núi thiêng liêng trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên sẽ “có mặt” ở Hà Nội trong 3 ngày từ 27 đến 29.4.
Bình luận 0

Một cuộc triển lãm, hội chợ, trình diễn văn hóa đặc sắc được tổ chức để gợi lại nỗi “nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ”…

Bản sắc hội ngộ

Chung tay thực hiện cuộc trình diễn hoành tráng để kỷ niệm các ngày lễ lớn 30.4 và 1.5 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật số 2 Hoa Lư lần này với Hà Nội là 6 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Mỗi địa phương sẽ đem đến nét đặc sắc nhất trong văn hóa của mình để làm nên bức tranh đa màu về một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

img
Những người dân nồng hậu của vùng Tây Bắc sẽ có mặt trong chương trình.

Trong triển lãm “Đặc trưng văn hóa Tây Bắc”, các tỉnh sẽ giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng của từng nhóm tộc người hay từng vùng cư trú thông qua hình ảnh, các sưu tập hiện vật của các dân tộc: Trang phục truyền thống, công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt, các sản phẩm nghề thủ công, các hiện vật liên quan đến nghi lễ đời người, các loại nhạc cụ dân tộc, lễ hội truyền thống.

Đến triển lãm, người xem sẽ bắt gặp những hình ảnh rất tiêu biểu của vùng rừng núi Tây Bắc như hoa ban - đặc trưng mùa xuân, cọn nước hay chiếc thuyền đuôi én; ngôi nhà sàn Thái có khau cút, tạy ho (những hoạ tiết trang trí)… Tỉnh Hòa Bình giới thiệu những hiện vật, cổ vật của văn hóa Hòa Bình như trống đồng, cồng chiêng, về mo Mường.

Tỉnh Sơn La sẽ giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc như sưu tập y phục - đồ trang sức, khăn piêu, vải thổ cẩm, nhạc cụ, công cụ săn bắt thú, cối xay và dụng cụ làm mèn mén... Tỉnh Lào Cai giới thiệu những hình ảnh về sắc xuân Lào Cai, di sản ruộng bậc thang Sa Pa, những phiên chợ nổi tiếng Bắc Hà, Sa Pa; các lễ hội Đền Thượng, Gầu Tào...

Điểm nhấn độc đáo của chương trình là một góc chợ phiên vùng cao được thực hiện. Ngoài giới thiệu và bán các sản vật địa phương, đó còn là nơi hò hẹn, giao lưu, múa hát, kết bạn.

Rực rỡ sắc màu văn hóa

Lễ khai mạc với chủ đề "Lung linh sắc màu Tây Bắc" giới thiệu các tiết mục dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ truyền thống, trang phục của các dân tộc. Ngoài đêm khai mạc, các chương trình trình diễn riêng của từng đoàn cũng hứa hẹn đem đến cho khán giả những sắc màu văn hóa độc đáo.

Trong 3 ngày, chương trình “Sắc màu Tây Bắc” với đầy ắp các sự kiện văn hóa sẽ đưa người xem đến với vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Đoàn Sơn La mang đến các tiết mục biểu diễn nhạc cụ, những điệu múa dân gian, những bài dân ca; những bộ trang phục của dân tộc Thái, Lào, Mông, Xinh Mun do các nghệ nhân, diễn viên quần chúng biểu diễn. “Pang A Ma”- một lễ hội đặc sắc của dân tộc La Ha (ở bản Nà Tạy, Pi Toong, Mường La) cầu mong mùa màng bội thu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc sẽ được trình diễn nguyên gốc.

Đoàn Điện Biên mang đến ngày hội chương trình văn nghệ, trình diễn những bộ trang phục của dân tộc Mông (ngành Mông đỏ), Hà Nhì… Các diễn viên nghệ nhân quần chúng của Yên Bái sẽ trình diễn trang phục dân tộc Dao đỏ, Thái, Mông, Khơ Mú, Cao Lan, Xá Phó; biểu diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông, Dao đỏ.

Ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Trưởng ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi muốn tái hiện Tây Bắc với hình ảnh của một vùng đất, vùng người anh hùng trong chiến tranh và kiên cường trong thời kỳ đổi mới”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem