Vì sao có nhiều thuận lợi nhưng việc cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai vẫn gặp khó?
Vì sao có nhiều thuận lợi nhưng việc cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai vẫn gặp khó?
Thành Nam
Thứ năm, ngày 19/10/2023 18:25 PM (GMT+7)
Với quy mô sản xuất nông nghiệp lớn, tập trung, tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều thuận lợi để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Ngày 19/10, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị ứng dụng cơ giới hoá, tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Clip Hội thảo ứng dụng cơ giới hoá, tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai.
Đến tham dự hội nghị có ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng lãnh đạo Sở NNPTNT, Sở Khoa học và công nghệ, Hội Nông dân tỉnh cùng nhiều nông dân, hợp tác xã trên địa bàn.
Tại hội nghị, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những năm qua, cùng với việc đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa – tự động hóa vào sản xuất đã giúp duy trì, thúc đẩy tăng trưởng GDRP ở mức cao của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh Đồng Nai vốn có nhiều thuận lợi trong việc sản xuất nông nghiệp. Hiện diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh vào khoảng 270.000 ha, ngành trồng trọt đã hình thành 300 vùng sản xuất tập trung, với một số cây lâu năm có diện tích lớn.
Với quy mô sản xuất lớn, tập trung tỉnh Đồng Nai có nhiều thuận lợi để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Tuy nhiên, có một đặc điểm của điều kiện tự nhiên Đồng Nai gây hạn chế trong việc ứng dụng cơ gới hóa trong lĩnh vực trồng trọt là có nhiều vùng rộng lớn có đá lộ đầu, địa hình không bằng phẳng tại các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú nên việc cơ giới hóa trong khâu làm đất, vận chuyển gặp khó khăn.
Mặt khác, diện tích đất sản xuất của nông hộ nhỏ (bình quân khoảng 1ha/hộ) hạn chế rất lớn đến việc đầu tư trang thiết bị để cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất.
Mặc dù vậy, hàng năm các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc lồng ghép các hoạt động khuyến nông, khuyến công, Chương trình phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã.
Điển hình như chương trình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thực hiện hỗ trợ 98 mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến với tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ 2,85 tỉ đồng.
Song song đó, còn có chương trình xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp, hỗ trợ mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản nông sản cho 43 HTX nông nghiệp với tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ 3,011 tỉ đồng.
Đến nay, công tác cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng suất lao động trong ngành, giảm thất thoát sản phẩm, giảm mức độ khai thác tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từng bước thực hiện tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh cũng có mức độ cơ giới hóa cao, từ khâu sản xuất chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng trại đến quản lý chăn nuôi. Nhiều trại đã đầu tư trang thiết bị tự động hóa từng khâu và toàn bộ quá trình chăn nuôi, đây là tiền đề để thực hiện tự động hóa trong lĩnh vực chăn nuôi trong giai đoạn tiếp theo.
Riêng lĩnh vực trồng trọt vẫn còn nhiều khâu tỉ lệ cơ giới hóa còn thấp, nhất là khâu gieo trồng đối với cây ngắn ngày, khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản hầu hết còn thủ công, dây chuyền chế biến còn lạc hậu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.