Cà Mau và những mục tiêu hoành tráng về con tôm

Chúc Ly (thực hiện) Thứ sáu, ngày 05/05/2017 20:05 PM (GMT+7)
Với điều kiện tự nhiên nhiều lợi thế, Cà Mau luôn là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và kim ngạch xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng tôm của tỉnh giảm đến 2,6%, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu đến đầu tháng 4.2017 chỉ đạt 167,12 triệu USD, giảm 9,3% so cùng kỳ năm trước.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chia sẻ với PV về một số giải pháp trong phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất và xuất khẩu của ngành tôm tỉnh Cà Mau hiện nay?

- Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Cà Mau trên 530.000ha, đặc thù 3 phía giáp biển, với chiều dài bờ biển trên 254km; có hệ thống sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài trên 10.000km, có 87 cửa sông thông ra biển. Tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm nước lợ. 

img 

Nông dân huyện Ngọc Hiển thu hoạch tôm sinh thái dưới tán rừng (Ảnh: Chúc Ly)

Diện tích tôm nước lợ của tỉnh gần 280.00ha, chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước. Cà Mau phát triển nhiều loại hình nuôi tôm, trong đó có 175ha nuôi siêu thâm canh (ứng dụng công nghệ cao); gần 10.000ha nuôi thâm canh; khoảng 95.000ha nuôi quảng canh cải tiến (QCCT); trên 173.000ha nuôi QC truyền thống (trong đó có tôm - rừng, tôm - lúa).

Sản lượng tôm nuôi năm 2016 của tỉnh đạt trên 145.000 tấn, chiếm 23% sản lượng tôm nuôi của cả nước và chiếm khoảng 32% của vùng ĐBSCL. Hiện nay, tỉnh có 34 nhà máy chế biến, với tổng công suất 150.000 tấn thành phấm/năm. Năm 2016, mặc dù chịu những tác động bất lợi của thị trường, giá cả nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh vẫn đạt gần 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước; giải quyết việc làm cho trên 300.000 người.

Mặc dù nhiều năm qua, tỉnh luôn duy trì được vị trí số 1 trong cả nước cả về diện tích cũng như kim ngạch xuất khẩu, song nghề nuôi tôm của tỉnh vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn. Đâu là những khó khăn lớn nhất, thưa ông?

- Nghề nuôi tôm của tỉnh Cà Mau phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào thời tiết và điều kiện tự nhiên, chưa có các giải pháp ứng phó hữu hiệu để giảm thiểu những tác động bất lợi do thiên tai gây ra, nhất là tình trạng hạn hán, triều cường, sạt lở đất đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bên cạnh đó, thực trạng sản xuất còn manh mún, tự phát, thiếu quy hoạch; đầu tư cơ sở hạ tầng như: thủy lợi, giao thông, diện,… chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất do ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tôm nuôi chưa được kiểm soát triệt để; công tác quản lý chất lượng, giá cả con giống, thức ăn, vật tư phục vụ cho tôm nuôi thiếu chặt chẽ; liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất ngành hàng tôm chưa phổ biến.

Ngoài ra, mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, hầu hết nông dân không đủ khả năng thực hiện nhưng việc tiếp cận vốn vay ngân hàng rất hạn chế. Đó là những khó khăn cơ bản nhất của ngành tôm tỉnh Cà Mau hiện nay.

Được biết tỉnh đang hoàn thiện đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Ông có thể cho biết vài nét về đề án này?

- Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2020, sản lượng tôm nuôi 265.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD; đến năm 2025 sản lượng tôm nuôi 320.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD; định hướng đến năm 2030 sản lượng tôm nuôi 400.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu này, đề án chọn khâu đột phá là phát triển mạnh diện tích và nâng cao năng suất tôm QCCT, diện tích nuôi siêu thâm canh. Như vậy, với kế hoạch nêu trên, đến năm 2030 diện tích nuôi tôm quảng canh của tỉnh từ 173.000ha giảm còn khoảng 20.000ha. Nâng dần năng suất bình quân tôm nuôi của tỉnh, bình quân hiện nay là 0,52 tấn/ha, tăng lên 0,94 tấn/ha năm 2020; 1,14 tấn/ha năm 2025 và 1,43 tấn/ha năm 2030.

Những mục tiêu, con số đề ra rất lớn. Vậy theo ông, đâu là giải pháp để đạt được mục tiêu đó?

- Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện dề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, xác định được ngành hàng chủ lực để có kế hoạch tập trung đầu tư phát triển; ưu tiên đẩy mạnh phát triển nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh ở các vùng nuôi có điều kiện thuận lợi, đã được đầu tư cơ bản về thủy lợi, giao thông, điện…

img

Cà Mau hướng tới nuôi tôm thân thiện với môi trường để nâng cao tính bền vững (Ảnh: Chúc Ly)

Từng bước giảm diện tích nuôi QC, chuyển sang nuôi QCCT, áp dụng các quy trình nuôi tôm thân thiện với môi trường để tăng năng suất, chất lượng và phát triển bền vững; tập trung đầu tư cơ sở, vật chất kỹ thuật hạ tầng, đáp ứng như cầu phát triển sản xuất; thí điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hợp tác, liên kết đầu tư phát triển nuôi tôm; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào (giống, thức ăn…); xây dựng, phát triển liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất ngành hàng tôm, gắn với việc chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng thương hiệu tôm Cà Mau.

Về phía nông dân, làm thế nào để nâng cao nhận thức và ý thức sản xuất của họ nhằm hướng đến hướng sản xuất bền vững?

- UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hợp tác chặt chẽ với cộng đồng những người nuôi tôm; liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất; liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ dầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua mô hình liên kết chuỗi gia trị.

Tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất bằng các hình thức phù hợp, kết hợp cả lý thuyết và có mô hình thực hành để người dân dễ nắm bắt và vận dụng vào thực tiễn. Hướng dẫn người dân chuyển dần từ hình thức nuôi QC sang nuôi QCCT để nâng cao năng suất; đối với các loại hình nuôi thâm canh nhưng không đảm bảo điều kiện thì hướng dẫn người dân chuyển sang nuôi bán thâm canh hoặc QCCT để giảm bớt rủi ro và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ môi trường, không xả thải trực tiếp ra môi trường khi thực hiện việc sên vét, cải tạo ao đầm nuôi thủy sản hoặc khi tôm bị bệnh, bị chết...

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem