Đại án tại VNCB: “Đừng là gánh nặng của xã hội”

HỮU KÝ Thứ ba, ngày 23/08/2016 13:15 PM (GMT+7)
Đây là câu được bị cáo Hoàng Đình Quyết (Nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) nhắc lại nhiều lần khi tự bào chữa bổ sung cho mình tại tòa.
Bình luận 0

Sáng 23.8, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về hành vi gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng tiếp tục phần bào chữa bổ sung, tự bào chữa. Ở phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Hoàng Đình Quyết cho rằng việc cáo buộc bị cáo này liên quan đến các hành vi gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng là quá sức tưởng tượng.

img

Bị cáo Hoàng Đình Quyết được dẫn giải ra xe

Liên quan đến các hồ sơ vay được cho là khống, bị cáo Quyết cho rằng thời điểm đó các doanh nghiệp vay đều hợp pháp, có phương án kinh doanh hợp lý nên bị cáo xét duyệt. Việc chuyển tiền đi và sử dụng tiền như thế nào thì bị cáo này không kiểm soát được nên cáo buộc bị cáo rút tiền cho Phạm Công Danh sử dụng là không đúng. Còn các tài sản đảm bảo cho các khoản vay chỉ đạt 40-45%, nếu nâng khống thì phải đạt đến 80-85% chứ không phải thấp như vậy.

Còn rắc rối liên quan việc rút 5.190 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích mà không có chữ ký của chủ tài khoản, bị cáo Quyết cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc Phạm Công Danh chuyển số tiền này cho ông Trần Quý Thanh, rồi ông Thanh đưa tiền cho Trần Ngọc Bích gửi vào ngân hàng VNCB.Trong vụ này, bị cáo Quyết cho rằng mình có lỗi trong việc cho nợ chứng từ chứ không gây thất thoát 5.190 tỷ cho VNCB. “Thưa HĐXX, cha mẹ bị cáo luôn dạy con cái trung thực, phải làm gì có ích cho xã hội chứ đừng là gánh nặng của xã hội. Hai năm qua, bị cáo luôn trăn trở vì bị cáo buộc liên quan đến việc gây thất thoát số tiền hơn 9.000 tỷ đồng, đây là con số hết sức ngỡ ngàng. Trong khi cha của bị cáo hiện nay mỗi tháng đều phải nhận hơn 1 triệu đồng tiền trợ cấp của nhà nước.”, bị cáo Quyết nức nở khóc.

Sau khi bình tĩnh trở lại, bị cáo Quyết cho rằng nếu như được phép tố cáo, bị cáo tố cáo bà Bích lợi dụng lòng tốt của bị cáo để chiếm đoạt tiền. Trong vụ việc này, bị cáo sai khi cho nhóm bà Bích nợ chứng từ, nhưng người thiệt hại là ông Danh, còn người thụ hưởng là VNCB và ông Trần Quý Thanh. Bị cáo Quyết không nhận lỗi gây thiệt hại cho ngân hàng mà chỉ sai khi cho nợ chứng từ.

Cũng trong phiên tòa buổi sáng, bị cáo Phan Đinh Tùng đã đưa ra những lập luận đề nghị HĐXX kết luận bị cáo này vô tội. Còn bị cáo Bạch Quốc Hào cũng xin HĐXX xem xét cho mình tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo là thuộc cấp của mình. Trong khi đó, các bị cáo Trần Văn Bình, Nguyễn Thị Kim Vân, Lê Công Thảo, Bùi Thị Hà Thu, Nguyễn Văn Cường, Trần Thanh Tùng, Nguyễn An Vinh, Cao Phước Nhàn, Vưu Thị Diệu,…đều bào chữa bổ sung và đưa ra những luận cứ để HĐXX xem xét, đồng thời các bị cáo cũng nêu hoàn cảnh khó khăn, nói về nhân thân của mình để xin được hưởng mức án nhẹ nhất.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem