Đưa cánh đồng mẫu lớn ra Bắc: Cân nhắc khi triển khai đồng loạt

Minh Huệ Thứ hai, ngày 17/11/2014 08:04 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở miền Bắc là cần thiết nhưng với đặc thù diện tích quá nhỏ hẹp, liên kết thiếu chặt chẽ như hiện nay thì không phải nơi nào cũng nên làm. 
Bình luận 0

Chưa làm được lúa hàng hóa

Sau khi Bộ NNPTNT có chủ trương xây dựng thí điểm mô hình CĐML ở miền Bắc, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai dự án khuyến nông T.Ư “Xây dựng CĐML tại các vùng trồng lúa chủ yếu”, do Trung tâm làm chủ nhiệm, thực hiện trong 3 năm (2013 – 2015) tại 7 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương). Ngoài dự án khuyến nông T.Ư, rất nhiều tỉnh khác cũng ồ ạt phát động phong trào xây dựng CĐML, thậm chí một số nơi chưa thực hiện xong dồn điền đổi thửa cũng hô hào nông dân làm.

img Chỉ nên làm CĐML khi đã đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, lao động, đặc biệt là đất đai...    Ảnh: Thanh Xuân 

 

Ông Nguyễn Trí Ngọc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, Tổng Thư ký Tổng hội NNPTNT Việt Nam cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai thí điểm, những khó khăn như diện tích manh mún, nông dân quen trồng lúa tự cung tự cấp, quy mô nhỏ lẻ... đã được tính đến, nhưng cũng hy vọng công tác dồn điền đổi thửa sẽ giải quyết được những hạn chế đó. Tuy nhiên, ở đồng bằng sông Hồng bình quân mỗi hộ chỉ 0,35ha đất canh tác thì có dồn đổi đến mấy diện tích cũng vẫn vậy. CĐML 50ha mà chỉ 50 hộ dân thì dễ thực hiện, chứ 200 – 300 hộ cùng làm thì khó có thể đáp ứng được các tiêu chí của CĐML.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Khởi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, hiệu quả của CĐML thì ai cũng nhìn thấy rõ nhưng do trong quá trình tổ chức nhiều nơi cán bộ địa phương chưa thực sự quyết liệt, làm theo phong trào là chính; sự liên kết giữa nông dân, DN còn lỏng lẻo, do hợp đồng giữa các bên chỉ có tính chất ghi nhớ, đặc biệt là cơ chế chính sách về đất đai cũng như tín dụng hiện nay chưa có tác động mạnh đến sản xuất... Đơn cử như tại Nam Định và Thái Bình có tổng số khoảng 170 mô hình thì chỉ có khoảng 30 – 40% mô hình có sự tham gia của DN dưới hình thức hỗ trợ, chứ chưa phải là ký hợp đồng đúng nghĩa như tiêu chí mô hình CĐML đặt ra.

“Xây dựng CĐML là chủ trương đúng đắn, do đó việc Nhà nước hỗ trợ người dân thực hiện mô hình là rất cần thiết để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà. Tuy nhiên, mô hình này chỉ thực sự có ý nghĩa với những nơi đã đủ điều kiện cả về đất đai, hệ thống cơ sở hạ tầng, con người, thị trường..., chứ làm theo kiểu “trăm hoa đua nở” thì sẽ không hiệu quả” – ông Khởi nói.

Phải tích tụ ruộng đất

Về việc làm thế nào để thu hút DN tham gia vào CĐML, bà Trần Kim Liên – Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng T.Ư cho rằng, đặc thù của sản xuất nông nghiệp đã có rất nhiều rủi ro, vì vậy để hấp dẫn DN đầu tư vào nông nghiệp thì chính sách của Nhà nước về vốn tín dụng phải thông thoáng hơn. “Trên thực tế Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ DN khi tham gia CĐML, nhưng chính sách lại bị chẻ nhỏ ra nên chưa hiệu quả, dẫn đến những cam kết giữa nông dân với DN không bền chặt. Vì vậy, chính sách tín dụng phải đủ mạnh để buộc DN sống chết với bà con lâu dài. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương phải là cầu nối để xây dựng được mối liên kết có sự chia sẻ từ đầu vào đến đầu ra, phải có “địa chỉ” cụ thể để nông dân tin tưởng vào mô hình. Chứ nếu làm ra sản lượng nhiều mà không thấy được nơi tiêu thụ thì không nên làm” – bà Liên nói.

Cũng theo ông Trần Văn Khởi, hiệu quả của mô hình CĐML phụ thuộc vào 2 vấn đề, đó là có chỉ đạo tốt và sự hỗ trợ của Nhà nước. “Chúng ta không có quy trình vẽ sẵn cho mô hình CĐML, mà các địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tế, chú ý xây dựng mô hình ở những nơi có đội ngũ cán bộ năng động, dám chịu trách nhiệm. Nếu khâu tổ chức mà không chặt chẽ, cán bộ không chỉ đạo quyết liệt thì sẽ không thành công, mô hình không thể lan tỏa. Đồng thời, phải bắt buộc thực hiện ở những nơi đã dồn điền đổi thửa” – ông Khởi nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Khởi, bà Trần Kim Liên nhấn mạnh thêm: “Với nông dân miền Bắc, tư duy tự cấp tự túc đã ăn quá sâu nên chỉ khi có tích tụ ruộng đất thì mới thay đổi được thói quen sản xuất của bà con. Chính sách đất đai hiện nay đang là lực cản đối với CĐML, nông dân gần như cái gì cũng có nhưng không có cái gì nhiều”.

TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn từng phát biểu, muốn làm CĐML phải có đủ điều kiện chứ không thể áp dụng bừa bãi, nhân rộng một cách vội vã và không phải nơi nào cũng có thể thực hiện. CĐML là chuỗi sản xuất khép kín từ quy hoạch, giống, chăm sóc đến tiêu thụ, một khi chuỗi này chưa đảm bảo được các yếu tố thì cần phải tính toán kỹ trước khi triển khai.

  Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: 

Vấn đề đang đặt ra đối với ngành lúa gạo hiện nay là hiệu quả kinh tế chưa cao, mặc dù chúng ta đã xác định đây là một lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải quy hoạch, tổ chức lại sản xuất để hình thành những vùng trồng lúa trên quy mô lớn, dùng đồng loạt một số giống nhất định. Về điều này, Bộ định hướng áp dụng mô hình CĐML và Chính phủ cũng đã thông qua một số chính sách để thúc đẩy phát triển mô hình CĐML trong sản xuất nông nghiệp...  
Thanh Xuân (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem