Hy hữu nhầm “đại dịch” trên tôm ở Bình Thuận: Nhiều dấu hiệu bất thường

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 01/11/2014 09:53 AM (GMT+7)
Theo Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận, cơ quan này hiện đã xác định được nguồn gốc tôm giống ở 2 hộ nuôi tôm (ông Nguyễn Văn Hiền và ông Hai Sức) là thuộc 2 công ty sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên các công ty này không hề cung cấp giống cho 2 hộ nói trên.
Bình luận 0

Lúng túng từ khâu lấy mẫu

Trường hợp của ông Hai Sức ở xã Chí Công (huyện Tuy Phong) với diện tích nuôi tôm 1ha, Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận cho biết hộ này lấy giống của một công ty trên địa bàn huyện Tuy Phong, thuộc Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận. Trao đổi với chúng tôi, đại diện công ty này (đề nghị giấu tên) cho biết: “Chúng tôi không hề cung cấp tôm giống cho hộ nuôi tôm nào là Hai Sức”.

Về phía ông Hai Sức thì ông cho hay: “Chúng tôi thường lấy tôm giống thông qua trung gian, do đó việc các nhân viên thị trường có lấy giống của công ty trong Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận để bán cho chúng tôi hay không, chúng tôi cũng không thể biết được. Thậm chí có thể họ lấy tôm của công ty A nhưng lại nói là của công ty B để bán được giá cao hơn”.

img Việc công bố đại dịch trên tôm không chính xác khiến sản xuất, nuôi trồng của người dân Bình Thuận bị ảnh hưởng. 

 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) cũng cho biết, người nuôi thường mua tôm giống qua nhiều khâu trung gian nên việc xác định cụ thể nguồn gốc tôm không đơn giản. Hiện tôm giống của các công ty lớn mỗi khi xuất ra đều được dán tem, nhãn hiệu nhưng có thể đã bị các nhân viên thị trường trà trộn tôm giống của công ty chưa có thương hiệu, thậm chí cả tôm trôi nổi có giá rẻ để kiếm lời. Thực trạng này thường xuyên xảy ra, khiến tôm dễ bị dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận thừa nhận là mới cho xác minh lại và được biết, người nuôi thường lấy tôm giống qua trung gian. “Ở đây có hiện tượng gian lận thương mại, những người bán tôm có thể lấy tôm ở một đơn vị khác nhưng lại mượn thương hiệu của các công ty có uy tín để bán tôm với giá cao hơn, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp làm ăn chân chính” - ông Huy nói.

Cũng theo lời ông Huy: “Nếu nói là có bệnh Taura thì lớn chuyện lắm. Theo quy trình, tôm bố mẹ đầu vào hiện vẫn phải nhập 100% từ nước ngoài và phải được kiểm dịch rất nghiêm ngặt. Mấy năm trước, Bộ NNPTNT giao cho địa phương thực hiện, nhưng gần đây đã giao cho cơ quan thú y vùng trực thuộc Bộ tiến hành kiểm dịch. Do đó, việc lọt virus hội chứng Taura vào Việt Nam là khó xảy ra. Vấn đề ở chỗ, năng lực xét nghiệm và hoá chất xét nghiệm có chuẩn hay không”.

Ông Huy cũng cho biết thêm, tất cả các mẫu xét nghiệm đều được lưu mẫu đối chứng và sau đó Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận đã gửi mẫu lên cấp cao hơn. Cụ thể, Cơ quan Thú y vùng VI đã xét nghiệm đối chứng và chẩn đoán mẫu tôm âm tính với virus Taura. “Biểu hiện của dịch bệnh này (hội chứng Taura - PV) là sau khi thả tôm giống 15-20 ngày, tôm sẽ chết dần và chết sạch cả lứa tôm đó. Bệnh Taura không lây lan từ ao nuôi này sang ao nuôi khác mà lây duy nhất theo đường dọc, từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát tôm giống bố mẹ tận gốc, bất kể nước nào xuất tôm vào Việt Nam chúng ta cũng đều kiểm soát theo định kỳ tận nơi sản xuất” - ông Huy nói thêm.

Rõ ràng bản thân ông Huy có am hiểu về hội chứng Taura, vậy mà không hiểu sao ông lại ký vào một văn bản báo cáo đầy mâu thuẫn như cả 2 hộ nuôi tôm đều bị dịch bệnh dù đang nuôi bình thường, thậm chí hộ ông Nguyễn Văn Hiền còn đạt tỷ lệ 80 con/kg, có lãi 25 triệu đồng...

Tỉnh yêu cầu chấn chỉnh

Trước những thông tin không thống nhất của Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận, dư luận trên địa bàn đã đồn thổi rất nhiều chuyện xung quanh sự việc. Nhiều người còn nghi ngờ, đằng sau việc Chi cục Thủy sản Bình Thuận báo cáo lên Cục Thú y về việc phát hiện ra ổ dịch Taura là nhằm “xin” vaccine, thuốc sát trùng phòng chống dịch; việc đưa ra dịch bệnh và chỉ nhằm vào 2 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn là do có DN đối thủ đứng sau “giật dây”... (?)

Đại diện Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho biết, trong cuộc họp gần đây, các DN đã báo cáo về sự việc này và cho rằng, sự nhầm lẫn của cơ quan chức năng đã gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của DN cũng như uy tín của thương hiệu tôm giống Bình Thuận. Hiện Hiệp hội đang chờ báo cáo cụ thể bằng văn bản của 2 DN này trước khi có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ sự việc và có giải thích cụ thể.

Trao đổi với NTNN, ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: “Ngay sau khi nắm được thông tin, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NNPTNT báo cáo và Sở đã giải thích là do sai sót về kỹ thuật. Chúng tôi đã yêu cầu phải chấn chỉnh, vì hội chứng Taura là loại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm”.

Ông Cảnh cũng cho biết thêm, Bình Thuận đã xác định tôm giống là 1 trong 5 mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh. Trong lĩnh vực này, Bình Thuận có nhiều DN hàng đầu trên cả nước và mỗi năm cung ứng cho người nuôi tôm khoảng 20 tỷ con giống. Do đó, bản báo cáo phát hiện dịch bệnh Taura đầy “mâu thuẫn” đã làm ảnh hưởng tới uy tín của DN, thương hiệu tôm giống Bình Thuận và tỉnh sẽ kiểm tra lại để chấn chỉnh kịp thời.

   Ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, dù đã có văn bản chỉ đạo trước đó, nhưng xét thấy việc kiểm nghiệm “nhầm” dịch bệnh Taura là sự việc nghiêm trọng nên ngày 29.10, Cục Thú y đã thành lập một đoàn kiểm tra để trực tiếp làm rõ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem