Ký ức về chiếc bánh xèo đón… Tết “nửa năm” của má!

Bài, ảnh: Hoàng Lê Thứ sáu, ngày 19/06/2015 06:27 AM (GMT+7)
Trong mâm cúng gia tiên trong ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Tây nhất định phải có đĩa bánh xèo. Cái thú của món bánh này là vừa ăn vừa có thể rôm rả chuyện trò để chờ đợi những chiếc bánh mới sắp ra đĩa. Bánh xèo quê giòn khậy, hương vị ngọt lành, ấm áp tình quê của những con người miền Tây hiền lành, chân chất.
Bình luận 0
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mùng 5 tháng Năm Âm lịch người miền Tây quê tôi lại tất bật chuẩn bị một mâm cúng tổ tiên, ông bà. Ngày này, con cháu trong gia đình tề tựu về nhà đông đủ để sum họp và cũng để chuẩn bị các món ăn để đón Tết Đoan Ngọ sao cho ý nghĩa nhất. Trong các món ăn ấy, bánh xèo chiên là một món không thể thiếu trong ngày trọng đại này. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính đối với gia tiên.
img
Cảnh chiên bánh xèo (ảnh: Hoàng Lê)
Như đã thành thông lệ, sáng ngày mùng 5 là chúng tôi tụ tập về nhà má để mua các thứ chuẩn bị đổ bánh xèo. Để có được cái bánh xèo ngon cần phải mua loại tép sông làm nhân, cùng với đu đủ thái thành sợi nhỏ hoà với các thứ gia vị rồi đem xào chung một lần cho vừa chín tới. Bên cạnh đó, khâu pha bột là rất quan trọng để cho ra cái bánh vừa béo, vừa bùi. Má tôi kỹ tính nên thường tự tay pha bột, để bột nghệ sao cho màu vàng đặc trưng của bánh xèo sặc sỡ hoà với hành lá thái mỏng tạo thành màu vàng tươi bắt mắt.

Ngày nay, bánh xèo quê được “cách tân” phong phú hơn, nguyên liệu có thể biến tấu ít nhiều nhưng hương vị của nó thì vẫn không thay đổi. Bánh xèo càng thơm ngon hơn khi được ăn kèm với rau sống vườn nhà cùng chén nước mắm chua mới gọi là “đúng điệu”. Khách phương xa đến miền Tây nếm thử chiếc bánh xèo đều khen ngon tấm tắc; ấn tượng nhất là rổ rau vườn đầy đủ các thứ như: lá cách, cải xanh, rau thơm, ngò gai…
img
Những chiếc bánh xèo thơm ngon vàng tươi (ảnh: Hoàng Lê)
Nhớ những ngày sống ở quê, ngày thường má tôi cũng thường chiên bánh xèo cho chúng tôi thưởng thức. Không hiểu sao, bánh xèo cũng do chính tay má làm mà tôi không cảm thấy ngon bằng được thưởng thức ngay ngày mùng 5. Đến giờ tôi mới hiểu, ngày Tết “nửa năm” là ngày mà anh em chúng tôi tụ hội về nhà để gặp nhau, rồi dâng lên tổ tiên những chiếc bánh xèo do chúng tôi chuẩn bị. Có lẽ vì thế mà ăn bánh xèo vào dịp này có ý nghĩa và giá trị thiêng liêng nên hương vị khác với những ngày bình thường.

Tôi nhớ vào năm ấy, vụ mùa thất bát, má tôi không đủ tiền để chuẩn bị đón Tết Đoan Ngọ như mọi năm nhưng má vẫn không quên lấy gạo đem xay, xuống dòng sông trước nhà bắt tép để chiên bánh xèo. Bánh xèo năm ấy, ít gia vị, không đủ nhân nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy ngon vô cùng. Lên bữa ăn má nói: “Để năm sau lúa được mùa, má mua nhiều tép để chiên bánh cho các con ăn, năm nay ăn qua loa dùm má”. Nghe má nói,  chúng tôi xúc động nghẹn ngào, đưa miếng bánh xèo vào trong miệng mà cảm xúc trào dâng những nỗi niềm về má. Thương má cả đời tần tảo lo cho con mà không nghĩ đến bản thân mình. Nhìn tấm áo sờn vai, đôi tay chai sần lam lũ mà tôi thương má làm sao!

Nhớ quê, nhớ má, nhớ đĩa bánh xèo giòn thơm, béo ngậy do chính bàn tay khô ráp của má cặm cụi đổ từng chiếc bánh cho chúng tôi ăn. Nhưng tất cả những điều đó giờ chỉ còn lại trong kí ức; bởi vì má tôi đã đi xa để lại trong lòng chúng tôi niềm tiếc thương vô hạn.

Tết Đoan Ngọ năm nay, tôi cũng sẽ về để thưởng thức món bánh xèo quê nhưng tôi biết chắc rằng, chiếc bánh xèo do chúng tôi làm sẽ không thể ngon bằng chiếc bánh mà má tôi đã làm ngày xưa ấy. Đối với tôi, chiếc bánh xèo ngày xưa luôn sống mãi trong tiềm thức, tôi sẽ luôn mang theo mãi bên mình trong cuộc sống hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem