Rất may sự cố được khắc phục ngay sau đó, nên gần 200 hành khách trên tàu này được đưa vào bờ an toàn. Người dân bức xúc: Để cát bồi lấp nặng gây ảnh hưởng lớn như vậy có vô cảm với sự an toàn của hành khách và phương tiện ra vào luồng cảng này?
Trưa 6/6, Ban quản lý (BQL) Cảng Sa Kỳ cho biết vụ việc trên xảy ra vào chiều 2/6. Khi đang trên đường chở khách từ huyện đảo Lý Sơn vào đất liền, đến tại vị trí nằm giữa phao số 1-3 của luồng Cảng Sa Kỳ, tàu khách siêu tốc N.C 09 bị mắc cạn, làm gần 200 hành khách đi trên tàu hoảng loạn. Rất may mắn là nhân viên của tàu đã nhanh chóng khắc phục sự cố, điều khiển phương tiện tiếp tục đưa toàn bộ hành khách cập cảng an toàn.
Ông Lê Tấn Hải - Giám đốc Cảng Sa Kỳ cho biết: "Đây là luồng cảng quốc tế nên do Bộ GTVT quản lý. Theo quy định độ sâu của luồng cảng là -3m, tổng trọng tải phương tiện được phép ra vào là 1.000 tấn. Đơn vị trực tiếp giám sát, theo dõi đảm bảo độ sâu an toàn luồng cảng cho các phương tiện ra vào là Trạm Đảm bảo hàng hải Sa Kỳ".
Luồng cảng Sa Kỳ bị bồi lấp thu hẹp, gây nhiều nguy hiểm cho khách, phương tiện ra vào
Theo ông Hải, mấy năm trước kinh phí nạo vét luồng cảng do Bộ GTVT cấp (khoảng 7-8 tỷ đồng/năm). Nhưng khoảng 3 năm qua, nghe nói do tỉnh đề nghị Bộ GTVT chuyển giao cảng về cho địa phương quản lý, nên Bộ GTVT không cấp kinh phí nữa, việc tạm nạo vét luồng cảng này hàng năm bị tạm dừng đến nay.
Vì vậy luồng cảng Sa Kỳ bị bồi lấp ngày càng nặng, với độ sâu của luồng có nơi chỉ còn 1,2m. BQL cảng Sa Kỳ đã nhiều lần báo cáo để Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị với trên xử lý tình trạng trên, đảm bảo an toàn cho khách và phương tiện ra vào luồng tuyến này.
Ông Nguyễn Tấn, Thuyền trưởng tàu khách siêu tốc N.C 09 cho biết: Tại thời điểm xảy ra sự cố, dù tàu chạy phía trong và cách biên luồng gần cả chục mét nhưng vẫn bị mắc cạn. Qua đo đạc và xác định cùng các cơ quan chức năng, độ sâu tại vị trí tàu mắc cạn chỉ khoảng 1,5m, bằng 1/2 so với quy định (-3m).
Không chỉ tàu khách, hàng trăm tàu cá ra vào thường xuyên luồng cảng này cũng gặp nguy hiểm.
Cũng theo ông Tấn, tại buổi làm việc sau khi tàu xảy ra sự cố, ông Trần Trung Kiên - Trưởng trạm Đảm bảo Hàng hải Sa Kỳ cho rằng sao không giữ nguyên tàu tại vị trí bị sự cố để họ ra kiểm tra, xác định (độ sâu tại vị trí mắc cạn), mà tự khắc phục và đưa phương tiện chở khách vào cảng.
"Hơn cả giá trị của phương tiện trên 20 tỷ đồng là sự an toàn sinh mạng của gần 200 hành khách trên tàu. Nếu giữ như vậy, chẳng may thời tiết bất ngờ trở chứng giông lốc, gió lớn thì hậu quả sẽ thế nào đây, ai gánh nổi", ông Tấn bức xúc.
Vào trưa cùng ngày, để tiếp tục làm rõ vụ việc trên, PV Báo Dân Việt đã gọi điện thoại đăng ký tìm hiểu thêm thông tin, ông Kiên - trả lời ngắn gọn: "Anh gọi cho cơ quan tôi, chứ tôi không có thẩm quyền đó anh nhé".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.