Kiệt quệ ngành tôm: Người nuôi sắp thành "Chúa Chổm"

Thứ sáu, ngày 08/06/2012 18:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau ngành chăn nuôi, ngành cá tra điêu đứng vì giá xuống thấp, không có đầu ra... đến lượt ngành tôm cũng lâm vào cảnh kiệt quệ khi tôm bị chết hàng loạt.
Bình luận 0

Nhiều người nuôi tôm lỗ nặng, lâm vào cảnh nợ nần và buộc phải treo ao. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, ngành tôm sẽ không thể vực dậy được.

Khốn đốn vì dịch

Không còn là những đại gia giàu có như trước kia, hiện người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lâm vào cảnh phá sản và nợ nần như “Chúa Chổm”.

img
Nhiều nơi, nông dân đã cải tạo ao đầm rất kỹ nhưng khi thả giống tôm vẫn cứ chết.

Anh Nguyễn Văn Bẹ ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phất lên thành triệu phú nhờ 5 - 6 vụ tôm trước. Với diện tích 6.000m2 đầm tôm, anh thả nuôi 120.000 con giống, có năm thu lãi trên 400 triệu đồng.

"Năm vừa rồi trúng đậm tiền tôm, nên năm nay tôi quyết định gom hết vốn liếng và vay thêm tiền ngân hàng để cải tạo ao, nâng số lượng tôm giống thả nuôi lên gấp 2,5 lần. Ai ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn, tôm thả xuống chết sạch, hết cả vốn liếng” - anh Bẹ đau xót nói.

Cùng cảnh ngộ với anh Bẹ, một người nuôi tôm ở Tiền Giang cũng cho biết, vụ tôm vừa qua anh thả 350.000 con tôm giống, và bị chết sạch, lỗ hơn 100 triệu đồng. Ngay cả những tỷ phú lão làng trong ngành cũng “mắc cạn” vì tôm như ông Năm Phong ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Cả 10 ao tôm mà ông Phong mới thả hồi đầu vụ nay đều bị chết đỏ ao, thiệt hại trên 2 tỷ đồng.

Danh sách những người nuôi tôm bị sạt nghiệp ngày càng kéo dài, như ông Nguyễn Văn Y (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) vừa bị mất 350 triệu đồng chỉ trong... một buổi sáng, khi có tới 480.000 con tôm giống đồng loạt chết trắng. Ông Y than thở: “Cả tháng nay, nông dân nơi đây chỉ biết treo vuông vì không ai dám thả nuôi vụ hai, mà có muốn thả cũng chẳng còn vốn đâu nữa”.

Ông Tống Minh Viễn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Trong vụ tôm vừa qua, toàn tỉnh đã có 1 tỷ con giống bị chết, chiếm gần 60% lượng tôm giống đã thả. Với 9.000ha nuôi tôm, nông dân toàn tỉnh bị thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 70% thiệt hại rơi vào các hộ nhỏ lẻ, ít vốn, ước tính hơn 8.100 hộ

Thống kê sơ bộ, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 30.000ha nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh. Với khoảng 30 triệu đồng/ha tiền con giống, thì người nuôi tôm đang cần hỗ trợ ít nhất 900 tỷ đồng để đầu tư tái thả nuôi vụ mới.

Ngân hàng cắt vốn

Sự bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi từ năm 2011 kéo dài đến tận vụ nuôi 2012, gần như "bịt kín" mọi con đường đến với nguồn vốn của người nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Công- Chủ nhiệm Hợp tác xã tôm - lúa Hòa Lời (xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) than: "Năm ngoái đã thiệt hại rồi, đến đầu vụ này tôm lại tiếp tục chết nên cả ngân hàng, doanh nghiệp chế biến và đại lý đều rút lui, không ai dám đầu tư hết. Trong khi đó, hầu hết giá các dịch vụ, vật tư đầu vào như cải tạo ao, con giống, thức ăn... đều tăng cao, nên đến giờ vẫn còn nhiều hộ chưa có tiền để thả giống đợt mới”.

Tổng kết các mô hình nuôi thành công

Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên tôm nước lợ cho biết: “Ban chỉ đạo đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản nhanh chóng tổng kết các mô hình nuôi tôm thành công trong thời gian qua, đồng thời hướng dẫn các giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch bệnh để các địa phương triển khai. Mặt khác, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Cục Thú y xây dựng định nghĩa và tiêu chí xác định hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính làm cơ sở hỗ trợ người nuôi tham gia bảo hiểm nông nghiệp”.

Theo nhiều hộ nuôi tôm phản ánh với phóng viên, sau khi chứng kiến một vụ tôm thất bại của bà con, các ngân hàng đã không tiếp tục cho người nuôi vay vốn. Chưa hết, ngay cả các đại lý cũng không còn bao tiêu thức ăn; người nuôi tôm phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn khắp nơi, hòng kiếm chút tiền thả nuôi lại vụ mới để gỡ gạc.

Một hệ lụy đi kèm của việc dịch bệnh làm tôm chết là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thiếu nguyên liệu, phải treo nhà máy hoặc hoạt động cầm chừng, khiến công nhân thất nghiệp.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do thiếu nguyên liệu và chi phí sản xuất đắt đỏ nên số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động xuất khẩu trong quý I lên đến 40%, với 330 doanh nghiệp, trong đó ngành tôm chiếm khoảng 1/3.

Riêng tại Công ty CP Thủy sản Cửu Long (An Giang) đã phải cắt giảm khoảng 300 lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ do thiếu nguyên liệu chế biến. Nếu thời điểm này năm trước, công ty mua được 30 - 50 tấn tôm sú nguyên liệu/ngày, thì hiện nay mua được chưa đến 10 tấn/ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem